XÂY DỰNG MỐI LIÊN KẾT GIỮA SẢN XUẤT - TIÊU THỤ LÚA GẠO TẠI HUYỆN YÊN ĐỊNH VÀ VAI TRÒ CỦA HOẠT ĐỘNG KHUYẾN NÔNG

Hiện trạng phát triển sản xuất Lúa gạo tại Huyện Yên Định

Là một huyện trọng điểm lúa gạo của tỉnh Thanh Hóa, hàng năm sản lượng Lúa gạo của huyện Yên Định chiếm sấp xỉ 1/10 tổng sản lượng lúa gạo của Tỉnh Thanh Hóa. Theo số liệu của Chi cục thống kê Yên Định, năm 2015 tổng sản lượng lúa gạo của Huyện đạt 128 381 tấn và năm 2016 đạt 124 720 tấn. Lúa gạo của Huyện được dùng làm lương thực cho cư dân trong vùng và phần lớn trở thành hàng hóa xuất bán ra thị trường.

Trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng yêu cầu về chuyển dịch cơ cấu cây trồng nhằm tăng hiệu quả sản xuất thì sản lượng lúa gạo của Huyện có su hướng giảm dần song vẫn đạt mức trên 120 000 tấn mỗi năm. Diên tích lúa được chuyển đổi đã đạt hàng ngàn ha song sản lượng lúa vẫn khá ổn định là do nhờ việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, tăng cường đầu tư thâm canh, tuyển lựa sử dụng giống lúa mới có năng suất vượt trội.

Tuy nhiên, tình trạng sản xuất phân tán, manh mún, không theo quy hoạch, việc đầu tư thâm canh chưa thống nhất theo quy trình kỹ thuật, số lượng, chất lượng, quy cách không đồng đều, chưa có diện tích lúa nào đạt chứng nhận VietGAP, vì vậy, hầu hết lúa hàng hóa lương thực của Huyện đều do các thương lái tiêu thụ. Mối liên kết giữa sản xuất; thu mua; chế biến; bảo quản; tiêu thụ chưa được hình thành. Vai trò của Doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất còn mờ nhạt; cơ sở chế biến, bảo quản chưa đáp ứng về quy mô và công nghệ thô sơ. Việc xây dựng thương hiệu, chứng nhận thực hành sản xuất tốt VietGAP; nhãn hiệu hàng hóa; chỉ dẫn địa lý chưa được thực hiện.

Sự cần thiết xây dựng mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm Lúa gạo

Hiện nay Huyện Yên Định có 31 Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất Nông nghiệp, trong đó có 30 HTX đã hoạt động theo luật HTX 2012. Nhiều HTX đã thực hiện rất tốt việc liên kết, bao tiêu sản phẩm cho thành viên HTX, giúp xã viên cải thiện thu nhập và mang lại nhiều lợi ích thiết thực khác cho họ cũng như góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển bền vững

HTX Dịch vụ Nông nghiệp Định Tường là một điển hình; sự ra đời của HTX xuất phát từ nhu cầu thực tế và lợi ích chung của các thành viên liên kết lại để phát huy sức mạnh tập thể. Hàng năm có từ 80% - 90% diện tích lúa tại xã Định tường  được HTX cung ứng đầu vào và bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra cho xã viên. HTX Dịch vụ NN Yên Lâm; Định Hòa; Định Long; Định Tân cũng là những đơn vị làm rất tốt việc bao tiêu sản phẩm cho xã viên song tỷ lệ chưa nhiều và chủ yếu vẫn là mặt hàng lúa giống và các sản phẩm khác như Ớt; Khoai tây; Bầu bí. Tại các HTX này, các xã viên được bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên hoàn toàn an tâm trước mỗi mùa vụ sản xuất và thu nhập của họ gia tăng đáng kể do giảm chi phí đầu vào và tăng giá trị đầu ra. Riêng mặt hàng Lúa gạo thì từ vụ Xuân 2017 Huyện Yên Định mới có 3 HTX ký kết được với Doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân là Định Tân; Định Tiến và Yên Phong, song mối liên kết cũng chỉ mới là bước đầu và cần được quan tâm đẩy mạnh hơn nữa.

 Vai trò của hoạt động Khuyến nông trong chuỗi liên kết.

Lúa gạo hiện nay vẫn là một trong những mặt hàng chủ lực của ngành nông nghiệp huyện Yên Định. Để sản xuất và tiêu thụ ổn định mặt hàng này nhằm đáp ứng yêu cầu của Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Huyện đã ban hành, các hoạt động Khuyến nông trong giai đoạn hiện nay cần chú trọng những nội dung sau:

- Quan tâm chú trọng từ khâu chọn giống đến khâu canh tác, chủ động tiếp cận các thành tựu nghiên cứu khoa học để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật; thử nghiệm, trình diễn những giống lúa mới có năng suất; chất lượng phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Muốn vậy, Trạm Khuyến nông Huyện và hệ thống Khuyến nông viên cơ sở tại các xã cần phối hợp tốt với các cơ quan nghiên cứu chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về giống, về kỹ thuật trồng trọt, dinh dưỡng cây trồng, phòng trừ dịch hại để lựa chọn những TBKT phù hợp và hiệu quả cho nông dân

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền cho mối liên kết và là một đầu mối kết nối cho chuỗi liên kết dọc Doanh nghiệp – HTX – Nông dân. Tích cực tìm kiếm, lựa chọn doanh nghiệp trong và ngoài Tỉnh để kết nối cho các HTX ký kết hợp đồng liên kết.

- Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho các đối tượng tham gia sản xuất, kinh doanh. Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền cho sự hợp tác trong mối liên kết ngang giữa Nông dân với nông dân; giữa các HTX với HTX trong Huyện để nhằm huy động các nguồn lực một cách hiệu quả để đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa với trình độ kỹ thuật và công nghệ ngày càng cao phục vụ cho nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống cho người sản xuất lúa gạo góp phần xây dựng Nông thôn mới trên quê hương Yên Định giàu đẹp./.

 

                                                                       Trần Thị Quân

                                                   Trưởng Trạm Khuyến Nông Yên Định