DI TÍCH LỊCH SỬ CÁCH MẠNG LÀNG NGỌC VỰC, XÃ YÊN THỊNH NƠI THÀNH LẬP CHI BỘ ĐẢNG ĐẦU TIÊN HUYỆN YÊN ĐỊNH ( Ngày 10/6/1938)

Cách đây 87 năm, ngày 3/2/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, sự kiện lịch sử đó đã có ảnh hưởng to lớn đến phong trào cách mạng ở Yên Định.

        Tháng 8/1932 hội nghị cán bộ cách mạng trong tỉnh họp do đồng chí Hoàng Văn Mạch chủ trì họp tại Yên Thịnh bàn biện pháp xây dựng cơ sở cách mạng, phát động phong trào quần chúng đấu tranh, sau đó phong trào quần chúng phát triển ở một số nơi như : Ngọc Vực,  Phù Hưng, Lê Xá..

  Nhà truyền thống, nơi thành lập chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên huyện Yên Định

Vào những năm 1935 – 1936 nhiều hoạt động tuyên truyền diễn ra trong lực lượng học sinh như ở Sét ( Định Hải)  Phù Hưng ( Yên Thái). Đầu năm 1934 Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa phân công đồng chí Hoàng Văn Mạch phụ trách Yên Định, cuối năm 1934 đồng chí Hoàng Văn Mạch đã chủ trì thành lập chi bộ ghép Ngọc Vực – Long Linh ngoại gồm 5 đồng chí do đồng chí Hoàng Văn Mạch làm bí thư chi bộ. Cùng thời gian này địch tăng cường khủng bố, một số đồng chí tỉnh ủy viên bị bắt. Cơ quan in của Tỉnh ủy chuyển về đóng ở làng Ngọc Vực và tại đây đã in số báo “ Hồn lao động” đầu tiên của Tỉnh ủy.

     Cơ sở cách mạng của Yên Định tiếp tục phát triển ở nhiều nơi như Yên Thịnh, Yên Hùng, Yên Thái.Đầu năm 1935 hội nghị cách mạng Yên Định họp ở Ngọc Vực do đồng chí Hoàng Văn Mạch chủ trì bàn biện pháp tuyên truyền giáo dục cách mạng trong quần chúng. Từ năm 1936 Tỉnh ủy thay tên báo “ Hồn lao động” bằng “ Tia sáng” , cơ quan in đặt tại Phù Hưng ( Yên Thái).

      Từ giữa 1937 phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ phát triển mạnh trong toàn huyện, đã gây tiếng vang ở cả Trung Kỳ lúc bấy giờ.Vào tháng 3/1938 một cuộc mít tinh biểu tình lớn nổ ra ở huyện lỵ Yên Định – làng Sét, dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng nhân dân đã hô vang khẩu hiệu đòi quyền dân sinh, dân chủ, tố cáo tri huyện Nguyễn Văn Tương tham nhũng. Từ đây phong trào lan rộng sang nhiều địa phương khác như Yên Thái, Yên Thịnh, Yên Trường, Yên Ninh khiến cho chính quyền thống trị khi đó phải thừa nhận “ sân khấu chính trị ở Yên Định đang chấn động”.

     Trước sự lớn mạnh của phong trào, sự trưởng thành của tổ chức cách mạng, một đòi hỏi khách quan, cấp thiết đặt ra là phải thành lập chi bộ Đảng ở Yên Định để lãnh đạo phong trào cách mạng của quần chúng. Đầu năm 1938, song song với sự phát triển của phong trào tương tế ái hữu, các tổ chức Thanh niên dân chủ, Phụ nữ dân chủ ở Yên Định được xây dựng ở nhiều địa phương. Trong phong trào cách mạng của quâng chúng, nhiều cán bộ trung kiên được tôi luyện, qua thử thách đấu tranh, được quần chúng tin yêu..., đủ điều kiện kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

      Ngày 10/6/1938, một cuộc họp lịch sử được triệu tập tại nhà bà cụ Chức (thôn Ngọc Vực thuộc tổng Bái Châu -  nay thuộc xã Yên Thịnh) do đồng chí Hoàng Văn Mạch đại diện Tỉnh ủy phụ trách phong trào cách mạng ở Yên Định trực tiếp chủ trì. Tham dự cuộc họp có các đồng chí: Trịnh Bá Ái(ở thôn Hổ Bái), Nguyễn Thế Qúy( ở thôn Trịnh Xá), Nguyễn Gia Hoạt, Hoàng Văn Giasp ( ở thôn Phù Hưng), Hoàng Văn Khuyên, Hoàng Văn Giáp (ở Ngọc Vực) là những cán bộ cốt cán của phong trào cách mạng lúc đó. Sau khi báo cáo chủ trương của cấp trên và nhận xét tình hình phong trào cách mạng của quần chúng trong huyện, đồng chí Hoàng Văn Mạch tháy mặt Tỉnh ủy Thanh Hóa kết nạp các đồng chí trên vào Đảng Cộng sản Đông Dương và tuyên bố thành lập chi bộ Cộng sản đầu tiên huyện Yên Định. Chi bộ có 8 đảng viên, mỗi đồng chí được nhận một bí danh và được phân công nhiệm vụ cụ thể, đồng chí Hoàng Văn Mạch là Bí thư Chi bộ trong hội nghị này, chi bộ đã thảo luận chương trình công tác và những nhiệm vụ trước mắt:

    Về chính trị: Lãnh đạo nhân dân Yên Định đấu tranh với chính quyền thực dân phong kiến, đòi bỏ thuế thân, cứu đói cho nhân dân bằng cách lấy chữ ký rộng rãi trong dân, cử đoàn đại diện đưa đơn lên nhà chức trách.

      Về văn hóa: Mở rộng phong trào chữ quốc ngữ, phát động nhân dân bài trừ chính sách ngu dân, chống mê tín, cúng lễ.

     Về xây dựng Đảng: Phát triển đảng viên, vận động quần chúng xây dựng quỹ Đảng.

      Chi bộ Yên Định ra đời đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ của phong trào cách mạng trong huyện. Chi bộ đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành thắng lợi như: đòi khất thuế lưu động; chống cướp đất khai mỏ ở núi Khoai, mít tinh tuần hành thị uy ở núi Tân Thành. Phong trào Tương tế ái hữu, phong trào Thanh niên dân chủ, Phụ nữ dân chủ dưới sự lãnh đạo của chi bộ cũng phát triển mạnh mẽ.