HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT CHĂM SÓC CÂY MÀU VỤ ĐÔNG BỊ ẢNH HƯỞNG CỦA ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI

Do ảnh hưởng của thời tiết giai đoạn vừa qua liên tục có mưa và đặc biệt là áp thấp nhiệt đới gây mưa rất to vào các ngày 9 – 11/10/2017 đã gây ngập lụt, làm gãy đổ; ảnh hưởng nghiêm trọng đến diện tích cây vụ đông đã trồng của bà con nông dân trên địa bàn Huyện. Để chủ động khắc phục ảnh hưởng của thiên tai, giúp bà con ổn định sản xuất, Trạm Khuyến nông Huyện hướng dẫn nông dân một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây trồng bị ngập úng như sau:

          1. Trước mắt, bà con tích cực khơi thông đồng ruộng, bằng mọi cách tháo nước ra khỏi ruộng hoa màu, không để nước đọng trên mặt ruộng; những ruộng không tháo nước được bà con phải bơm hút, tát cạn nước,  có thể đào các hố nhỏ ở góc ruộng; khoen rãnh; vét rãnh… để rút nước tạm thời xuống hố.

  2. Đối với diện tích cây trồng bị đổ nghiêng, bà con căn cứ tình hình thực tế để tiến hành dựng cây lại, buộc dây, dùng cọc chống, hót đất lấp kín rễ để cây có thể phục hồi. Khi mặt luống đã se khô thì tiến hành xới phá váng và bón phân để cây trồng nhanh hồi phục. Trứơc mắt; bà con nên dùng Phân vi sinh đa chức năng Thành Châu (Có mật độ chủng vi sinh và vi khuẩn đối kháng cao gấp 100 lần các loại phân vi sinh thông thường) với lượng  từ 5 - 10 kg/sào để rải xung quanh gốc hoặc hòa đặc với nước để tưới gốc rồi hót đất rãnh phủ kín phân. Các chủng vi sinh vật trong phân sẽ lập tức kích thích bộ rễ cây trồng phục hồi nhanh. Các chủng nấm đối kháng có lợi sẽ giúp cây hạn chế bị nhiễm các loại nấm bệnh gây hại do thời tiết mưa ẩm gây ra. Sau khi cây phục hồi bà con mới dùng phân hóa học để chăm bón bình thường. Do phân vi sinh đa chức năng Thành Châu có khả năng tự cố định đạm nên bà con tùy vào mức độ phát triển của cây trồng để điều chỉnh giảm lượng phân đạm cho phù hợp và không phun tất cả các loại thuốc BVTV 5 - 7 ngày trước hoặc sau khi bón phân vi sinh để không làm chết hệ men vi sinh và nấm đối kháng.

  3. Một số hộ nông dân đã được hướng dẫn nhổ cây ớt mới trồng tại những ruộng không rút nước được về bảo vệ trong nhà để cây không bị chết úng. Trong quá trình chờ ruộng rút nước, bà con cần phun phòng cho cây một số các loại thuốc chống nấm như Amistar Top 325 SC; Ridomilgold 68 WG; Carbendazim để đề phòng nấm bệnh. Có thể phun thêm Antonik; Siêu lân pha loãng để cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây.

Sau khi nước rút, ruộng khô ráo bà con đem ra trồng lại. Khi trồng bà con nên dùng 10-20 kg phân vi vinh Đa chức năng Thành Châu để bón cho cây nhanh phục hồi.  

4. Đối với diện tích cây trồng bị ngập nặng, gãy, dập nát không có khả năng phục hồi bà con chịu khó vệ sinh toàn bộ ruộng, thu hồi tàn dư, xác thực vật dồn lại để không lây lan mầm mống bệnh hại và tiến hành khẩn trương chuẩn bị đất để trồng lại bằng những loại cây rau, màu phù hợp trong khung thời vụ cho phép. Bà con nên chú ý đảm bảo cơ cấu các loại rau màu hợp lý để khi thu hoạch tiêu thụ được dễ dàng

5. Bà con cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời

Trên đây là một số biện pháp kỹ thuật, khôi phục, chăm sóc cây màu vụ đông bị ngập úng; Trạm Khuyến nông  khuyến cáo cùng bà con nông dân  để cùng thực hiện./.

 

                                                                   TRẠM KHUYẾN NÔNG YÊN ĐỊNH