HƯỚNG DẪN PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH CUỐI VỤ TRÊN LÚA XUÂN

Hiện nay các trà lúa xuân đang bước vào giai đoạn trỗ bông phơi màu, đa số các trà lúa đang sinh trưởng phát triển khá tốt. Tuy nhiên, những ngày gần đây thời tiết có mưa nắng xen kẽ, ẩm độ trên đồng ruộng rất cao sẽ tạo điều kiện cho các loại sâu bệnh hại phát sinh, phát triển và gây hại nếu không được phòng trừ kịp thời.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Tỉnh, huyện Yên Định nằm trong nhóm các huyện mà tình hình sâu bệnh hại đang có su hướng gia tăng trong thời gian tới, vì vậy, để giúp bà con nông dân kịp thời phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại nguy hiểm từ nay đến cuối vụ, Trạm Khuyến nông Huyện xin khuyến cáo nông dân một số biện pháp kỹ thuật như sau:

          Bà con phải thường xuyên thăm đồng để nắm chắc diễn biến sâu bệnh, kết hợp theo dõi diễn biến thời tiết và tham vấn cán bộ Khuyến nông viên cơ sở, kỹ thuật Hợp tác xã để nhận định khả năng phát sinh, mức độ gây hại của từng loại sâu bệnh và biện pháp phòng trừ cụ thể cho từng đối tượng. Chú ý các đối tượng chính gồm có:

          - Bệnh Đạo Ôn cổ bông: Trên những ruộng đã bị đạo ôn lá và những giống nhiễm đạo ôn nặng như Thiên ưu 8; TBR 225; các giống Nếp… khi thấy xuất hiện vết bệnh ở cổ lá đòng cần phải phun phòng ngay bằng các loại thuốc như Katana 20SC; Amilan 300SC; Beam 75WP…; Đối với những ruộng khi trỗ gặp mưa hoặc có gió to cần phun phòng trừ cả đạo ôn cổ bông và đen lép hạt bằng Nativo 750WP; Tilt supper 300EC; Amitar top 325SC…

- Đối với bệnh khô vằn: Bà con chú ý những chân ruộng gieo sạ quá dày, cấy bụi to, bón thừa đạm, bón thúc bằng phân Kaly-Nito, nếu có tỷ lệ từ 20% số dảnh bị bệnh trở lên thì tiến hành phun trừ bệnh  bằng các loại thuốc như: Nevo330EC; Anvil 5SC, Validacin 5L…

- Đối với Rầy nâu, Rầy lưng trắng: Chỉ phun trừ khi mật độ rầy khoảng

 1 000con/m2, tức là khoảng 20 – 25 con rầy /khóm lúa trở lên. Nếu lúa đang ở giai đoạn làm đòng đến trỗ thoát thì phun trừ bằng các loại thuốc nội hấp, lưu dẫn như Sutin 50EC; Vina Gold 600WP; Chess 50WG. Trên những ruộng từ trỗ thoát đến chắc xanh thì phun trừ khi mật độ 750 con/m2 bằng các loại thuốc tiếp xúc, xông hơi như Victory 585 SE; Penalty Gold …

Bà con lưu ý: Đối với lúa nhiễm đạo ôn cổ bông cần phun kép hai lần khi lúa trỗ 5% và trỗ 100%. Đối với bệnh Khô vằn cần phun đủ lượng nước thuốc và phun rúc vòi xuống đẫm phần thân lá lúa bị bệnh. Đối với Rầy nâu, rầy lưng trắng nếu mật độ quá cao phải phun kép 2 lần cách nhau 3 – 4 ngày và giữ nước trên ruộng. Liều lượng và nồng độ theo hướng dẫn trên bao bì của từng loại thuốc. Bà con nên lựa chọn mua thuốc tại Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp hoặc các cơ sở có uy tín, có trách nhiệm.

          Trên đây là một số biện pháp kỹ thuật quan trọng giúp bà con phòng trừ sâu bệnh cuối vụ, Trạm Khuyến nông Huyện rất mong bà con lưu tâm thực hiện để đạt được một vụ lúa xuân thắng lợi./.

 

                                                                TRẠM KHUYẾN NÔNG YÊN ĐỊNH