NGƯỜI NÔNG DÂN VỚI CÁCH LÀM MỚI – TRỒNG SEN LẤY CỦ CHO HIỆU QUẢ KINH TẾ CAO.

Với sự mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, mô hình trồng sen lấy củ của gia đình anh Trần Văn Dũng ở Hoạch thôn xã Định Tăng đang được xem là cách làm mới lạ cho hiệu quả kinh tế cao.

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình trồng sen lấy củ của gia đình, anh Trần Văn Dũng cho biết: ở ngoài Bắc, mô hình trồng sen lấy củ còn khá mới mẻ nhưng ở một số tỉnh miền Nam, việc trồng sen lấy củ từ lâu đã được nhiều hộ nông dân áp dụng, đưa vào sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao và tùy thuộc vào mục đích sản suất mà lựa chọn giống sen trồng để lấy hoa, lấy hạt hoặc lấy củ. Cây sen có khả năng thích nghi cao với nhiều loại thổ nhưỡng khác nhau, dễ trồng và phát triển tốt trên các diện tích đất sâu trũng có nước quanh năm lại nhàn công chăm sóc, ít sử dụng phân bón và thuốc BVTV. Trồng sen lấy củ sau 5 tháng sẽ cho thu hoạch, mỗi năm trồng được 2 vụ, xuống giống vào tháng 5, tháng 6 ở vụ hè thu và tháng 12 đến tháng 1 dương lịch ở vụ Đông xuân. Từ những đặc điểm sinh trưởng khá “ dễ tính” của cây sen và sau một thời gian tìm hiểu kỹ thuật trồng sen lấy củ qua sách, báo, mạng internet và nghiên cứu thực tế từ các mô hình sản xuất ở một số tỉnh, tháng 2 năm 2018, anh Trần Văn Dũng đã mạnh dạn đầu tư 100 triệu đồng mua cây giống ở tỉnh Đồng Tháp và chuyển đổi 2 ha đất sản xuất lúa cá trước đây của gia đình sang thử nghiệm mô hình trồng sen lấy củ với suy nghĩ: Người ta  làm được thì mình cũng làm được, khó khăn đến đâu khắc phục đến đó.
     Sau 6 tháng đưa vào sản xuất, đến nay mô hình trồng sen lấy củ của gia đình anh Trần Văn Dũng đã cho thu hoạch, năng suất đạt gần 13 tấn / 1 ha. Để đảm bảo đầu ra lâu dài và ổn định cho sản phẩm, anh Trần Văn Dũng đã hợp tác, cung cấp củ sen tươi cho hệ thống siêu thị Vinmart Hà Nội, Big C Thanh Hóa và một số cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh với giá bán từ 40.000 – 45.000 đồng / 1kg. Với mức giá này, ngay ở vụ sản xuất đầu tiên, trên diện tích 2 ha trồng sen lấy củ, gia đình anh Dũng dự kiến sẽ thu được từ 1– 1,2 tỷ đồng, cao hơn từ 6 – 7 lần so với trồng lúa trước đây. Ngoài ra, trên diện tích trồng sen lấy củ của gia đình, anh Dũng còn kết hợp nuôi thả thêm cá chuối và cá trắm đen để tăng thu nhập và có tác dụng diệt trừ hiệu quả ốc bưu vàng, sinh vật gây hại chủ yếu đối với cây sen. Với sự mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, đất đã không phụ công người, vừa qua, mô hình trồng sen lấy củ của gia đình anh Trần Văn Dũng đã được Công Ty TNHH MTV Chế biến Nông sản Đông Triều - Tỉnh Quảng Ninh có 90% vốn đầu tư của Hàn Quốc trực tiếp về thăm, đánh giá kỹ thuật, môi trường sản xuất, chất lượng sản phẩm và ký kết hợp đồng xuất khẩu củ sen tươi sang thị trường nước này. Từ thành công bước đầu của mô hình, anh Dũng dự tính trong thời gian tới sẽ tăng diện tích trồng sen lấy củ, xây dựng thêm mô hình trồng sen lấy hoa và lấy hạt đồng thời sẵn sàng cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật cho người dân địa phương có nhu cầu sản xuất cùng trồng thậm chí sẽ bao tiêu sản phẩm cho bà con.
     Định Tăng là xã thuần nông của huyện Yên Định với diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 1000 ha, trong đó có 200 ha đất trũng thấp, trồng lúa gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kinh tế không cao. Những năm gần đây, xã đã có nhiều giải pháp để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng; tạo điều kiện cho hộ nông dân tích tụ, chuyển đổi ruộng đất để xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa nhằm tạo ra bước đột phá và tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Trong đó mô hình trồng sen lấy củ của gia đình anh Trần Văn Dũng đang được xem là mô hình mới, cách làm mới độc đáo, hiệu quả lần đầu tiên được áp dụng đưa vào sản xuất địa bàn huyện Yên Định đang góp phần tạo ra hướng đi mới làm thay đổi nhận thức, phương cách sản xuất của nhiều nông dân tại địa phương và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã. Với mô hình này, chính quyền xã Định Tăng đang quan tâm, theo dõi, giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi để gia đình anh Trần Văn Dũng phát triển sản xuất, từ đó có cơ sở nghiên cứu, đánh giá thực tiễn để nhân rộng trên các diện tích đất trũng thấp trồng lúa cho năng suất, hiệu quả kinh tế không cao của địa phương, đưa cây sen trở thành cây kinh tế trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp.
     Từ thành công bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao trong phát triển mô hình trồng sen lấy củ của gia đình anh Trần Văn Dũng ở Hoạch thôn xã Định Tăng là minh chứng cho thấy sức sáng tạo của nông dân với nhiều cách làm hay, hiệu quả. Song làm thế nào để kích thích được tinh thần sáng tạo đó và ý chí dám nghĩ, dám làm của người nông dân lại là bài toán đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền, các nghành chức năng của mỗi địa phương, đơn vị cần quan tâm, có chính sách hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, tham gia bàn cách sản xuất, làm cầu nối để người sản xuất tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi, liên kết được với doanh nghiệp hoặc thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hình thành nên vùng sản xuất theo hướng hàng hóa bền vững, hiệu quả và chất lượng.

 

                                                              Thực hiện : Đức Nguyên