BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG GIA SÚC VÀ CÁCH PHÒNG TRỊ

Hiện nay trên cả nước đã phát hiện nhiều ổ dịch lở mồm long móng (LMLM), nguy cơ phát sinh các ổ dịch trên đàn gia súc chưa được tiêm phòng vắc xin hoặc đàn gia súc khỏe mạnh tại vùng có ổ dịch cũ là rất cao. Bệnh LMLM là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây thiệt hại kinh tế rất nghiêm trọng; Tại Huyện Yên Định, Trâu Bò và Lợn là 3 đối tượng chăn nuôi chính, vì vậy, trong giai đoạn này bà con chăn nuôi cần hết sức chú trọng việc phòng tránh bệnh LMLM, đặc biệt khi Tết Nguyên Đán đang đến gần, việc mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc càng làm tăng thêm nguy cơ lây lan bệnh.

1. Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh LMLM do vi rút gây nên, ở Việt Nam đã phát hiện chủ yếu 3 type gây bệnh là A, O và Asia1. Động vật mắc bệnh LMLM là các loài động vật có móng guốc chẵn như: trâu, bò, lợn, dê…Vi rút LMLM có trong nước bọt, phân, nước tiểu, tinh dịch, sữa, dịch trong các mụn mủ của con bệnh hoặc ở trong không khí, dụng cụ, môi trường…bệnh có thể lây trực tiếp do nhốt chung chuồng hoặc lây gián tiếp qua người chăm sóc, phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi, ở các bãi chăn thả, chất thải chăn nuôi, môi trường có mầm bệnh. Một yếu tố rất nguy hiểm là Lợn sau khi khỏi bệnh vẫn bài thải vi rút trong 1-2 tháng; Trâu bò có thể thải vi rút trong 3-6 tháng, thậm chí mang vi rút hàng năm. Bệnh lây lan mạnh, có thể từ nước này sang nước khác theo đường vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ở dạng tươi sống (thịt cấp đông, da, xương, sừng, móng, sữa, lông... ) vì vậy  theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE) thì đây là bệnh dịch xếp đầu tiên ở bảng A.

2. Triệu chứng của bệnh

 Ở trâu, bò: Thời gian nung bệnh từ 2 - 5 ngày, có thể đến 21 ngày. Trâu, bò mắc bệnh, trong 2, 3 ngày đầu sốt cao trên 400C, kém ăn hoặc bỏ ăn, miệng chảy nhiều dãi và bọt trắng như bọt xà phòng; viêm dạng mụn nước ở lợi, lưỡi, vành mũi, vành móng, kẽ móng, đầu vú. Khi mụn nước vỡ ra làm lở loét mồm và sau đó làm long móng chân.

Ở lợn: Thời gian nung bệnh 2 - 4 ngày, có thể đến 21 ngày. Lợn mắc bệnh, sốt cao liên tục  40 - 41,50C; lợn chảy dãi, xuất hiện những mụn nước ở vùng quanh móng chân, bàn chân, kẽ móng, các mụn này phát triển thành mảng lớn, vỡ ra, tạo nên các vết loét. Lợn bị bệnh ngại vận động, hay nằm, ăn ít; lợn bị bệnh nặng có thể di chuyển bằng đầu gối, gây sây sát ở đầu gối. Ở lợn nái, mụn có thể mọc ở núm vú, gây đau nên lợn mẹ không cho lợn con bú, mụn vỡ tạo vết loét có thể gây viêm vú. Lợn nái mang thai sẽ bị sảy thai.

Đặc biệt nguy hiểm khi xuất hiện bệnh ở thể huỷ diệt, triệu chứng xuất hiện ở đường tiêu hoá hoặc viêm phổi, gia súc chết nhanh trong vòng 12 – 20giờ nên chưa có triệu chứng nào gia súc đã chết ngay.

3. Phương pháp phòng, chống dịch bệnh

- Phòng dịch

Bệnh LMLM chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp chủ yếu là nâng cao sức đề kháng tự nhiên cho con vật bằng cách tăng cường công tác chăm sóc nuôi dưỡng như: cho ăn thức ăn mềm dễ tiêu, bổ sung vitamin, điện giải, các thuốc trợ sức, trợ lực. Tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người hiểu biết về nguyên nhân, triệu chứng, bệnh tích, tác hại và cách phòng, chống bệnh LMLM. Thực hiện tốt vệ sinh thú y: Giữ gìn chuồng trại luôn khô ráo, sạch sẽ, định kỳ phun sát trùng. Con giống đưa vào chăn nuôi phải khoẻ mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, đã được tiêm phòng LMLM; Kiểm dịch nghiêm ngặt khi xuất nhập gia súc giữa các vùng. Thực hiện các quy chế phòng chống bệnh LMLM đúng theo pháp lệnh Thú y: Cách ly triệt để gia súc ốm, không chăn thả tập trung; thường xuyên thực hiện vệ sinh chuồng trại, bãi chăn thả, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển... thực hiện tiêu độc, khử trùng khu vực có gia súc nghi mắc bệnh, bị ốm, chết.

Phòng bệnh bằng vắc xin:. Tiêm phòng vắc xin LMLM cho trâu bò, lợn từ 2 tuần tuổi trở lên, sau 28 ngày tiêm nhắc lại lần 2, sau đó, cứ 6 tháng tiêm nhắc lại 1 lần. Đặc biệt chú ý ở những vùng đã từng xảy ra dịch LMLM, có thể lựa chọn vắc xin theo dịch tễ từng vùng

 - Chống dịch

Khi thấy gia súc có hiện tượng ốm, sốt, bỏ ăn, chảy nước dãi, có bọt, có mụn nước ở vùng miệng, quanh móng chân hoặc chết bất thường phải tiến hành cách ly ngay những con ốm ra khu vực riêng; không được chăn thả, không bán chạy, không giết mổ, vứt xác gia súc chết và chất thải của chúng ra môi trường.

Báo ngay cho thú y hoặc chính quyền địa phương để được hướng dẫn biện pháp xử lý thích hợp. Thực hiện tiêu hủy những con chết, những con ốm nặng không có khả năng hồi phục theo đúng quy trình kỹ thuật có sự giám sát của thú y, không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường. Thực hiện ngay công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc: Đối với hộ có dịch phun hóa chất ngày 1 lần, xã có dịch 2 ngày 1 lần, thực hiện liên tục trong suốt thời gian có dịch. Tiêm phòng vắc xin bao vây ổ dịch, tiêm từ ngoài vào trong, người tiêm phòng phải thực hiện tốt an toàn sinh học không làm lây lan dịch bệnh./.

                                                                                 Trần Thị Quân

                                                                       Trưởng Trạm Khuyến nông