Yên Định: Xưa và Nay!

Yên Định là huyện đồng bằng bán sơn địa, cách trung tâm của Tỉnh 28km về hướng Tây Bắc. Tổng diện tích tự nhiên 228km, dân số 161.243 nhân khẩu được phân bố ở 29 xã, thị trấn trong huyện.

Yên Định là vùng đất nằm ở giữa 2 con sông: Sông mã và sông cầu Chày với những vùng đất bãi ven sông mầu mỡ, trù phú, mãnh đất và con người Yên Định có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử từ lâu đời, trường tồn cùng với những biến thiên thăng trầm của lịch sử dân tộc. Từ văn hóa, di tích khảo cổ, các tài liệu cổ xưa, những tư liệu chính sử khẳng định: Yên Định là chiếc nôi của người Việt cổ, nơi xuất hiện đồng thời của văn minh núi Đọ, nền văn minh trống đồng Đông Sơn rực rỡ của người Việt.

Toàn cảnh trung tâm huyện trong thời kỳ đổi mới.

 Theo các nhà khảo cổ học đã phát hiện tại núi Nuông nằm sát tả ngạn sông Cầu Chày thuộc xã Định Tiến với nhiều công cụ đá cùng thời núi Đọ, cùng trong giai đoạn này các nhà khảo cổ học phát hiện nhiều hiện vật thuộc thời kỳ đồ đá cũ tại núi Quan Yên ở xã Định Tiến và Định Công.

 Từ những phát hiện, khai quật các địa điểm cho thấy mối liên hệ mật thiết thời đại đồ đá cũ cách đây 30 đến 40 vạn năm: Vùng núi Đọ, núi Nuông và núi Quan Yên.

 Như vậy, Yên Định là 1 trong những chiếc nôi của người Việt cổ sinh sống, sang nền văn hóa SơnVi có niên đại cách đây từ 1 – 2 vạn năm, trên các Gò, Đồi thấp thuộc các xã: Yên Lâm, Yên Tâm, Yên lạc, Yên Phú, Yên Thịnh các nhà khảo cổ học đã phát hiện một số công cụ đá ghè đẽo thô sơ mang đậm dấu ấn văn hóa Sơn Vi.

Tư liệu đồ đá cũ của người Việt Cổ.

 Sang nền văn hóa tiền Đông Sơn và văn hóa Đông Sơn, Yên Định có 2 Di tích tiêu biểu thuộc núi Nuông xã Định Hòa và Di tích Đan Nê xã Yên Thọ. Nhiều di vật được phát hiện chủ yếu là trống đồng, nồi đồng, thạp đồng, vòng tay, khuyên tai, tiêu biểu như: Trống đồng Định Công, trống đồng Đan Nê Yên Thọ.

 Ở cực đông huyện Yên Định là Ngã 3 bông nơi sông Mã phân thủy thành 2 nhánh sông, 1 nhánh chảy ra Đò Lèn (huyện Hà Trung), 1 nhánh chảy về cửa Hới (Sầm Sơn). Đoạn từ Ngã 3 bông đến Đồng Cổ (Yên Thọ) nơi đây đã diễn ra nhiều trận chiến các liệt thời Lê - Mạc (1532 – 1592)

 Ở Yên Định có 2 ngôi Đền gần 2 nghìn năm tuổi, đó là: Đền Đồng Cổ (làng Đan Nê xã Yên Thọ) và Đền Hổ Bái (xã Yên Bái). Theo các tư liệu lịch sử cho thấy “Miếu Đồng Cổ” hay gọi là Đền Đồng Cổ được khởi dựng từ thời Hùng Vương thứ nhất (938 trước công nguyên).

 Tương truyền: Đời Hùng Vương thứ nhất khi nhà Vua đi chinh phạt giặc Hồ Tôn ở Phương nam đã cho quân dừng lại ở chân núi Khả Lao Thôn, đến đêm, nhà Vua trong chiêm bao thấy có 1 vị thần tự xưng là Thần miền Khả Lao xin được mượn trống đồng và đùi đồng để giúp nhà Vua đánh giặc. Khi tỉnh dậy nhà Vua sai quân lính mang trống đồng ra xung trận, tiếng trống đồng vang lên văng vẳng khiến quân giặc hồn siêu, phách lạc. Thắng trận trở về, nhà Vua cho xây dựng Miếu để thờ Thần trống đồng.

Đền Đồng Cổ, làng Đan Nê, xã Yên Thọ, Yên Định.

Tên gọi Yên Định cũng thay đổi theo dòng lịch sử nhưng cơ bản hàng nghìn năm nay vẫn là Yên Định. Thời kỳ Bắc thuộc (thời Đường) có tên là Quân Ninh thuộc quận Cửu Chân. Gần 2 nghìn năm trước đây là vùng đất tạo nên các huyện Tư Phố, Võ Biên thuộc quận Cửu Chân sau đó đổi thành Quân An, đến thời Đại Việt tự chủ huyện được gọi là An Định rồi Yên Định. Thời nhà Hậu Lê, Thanh Hóa có 6 Phủ, Yên Định thuộc Phủ Thiệu Thiên. Đến khi nhà Nguyễn lật đổ nhà Tây Sơn, vua Gia Long cho đổi thành Trấn Thanh Hóa, Yên Định vẫn giữ nguyên tên gọi xưa.

 Hầu như làng nào ở Yên Định cũng ghi dấu huyền thoại, truyền thuyết, sự tích, các tầng văn hóa qua nhiều đời, các Đền, Chùa, Miếu mạo linh thiêng cổ xưa nhất sinh ra ở đây.

 Các công thần, các anh hùng hào kiệt lẫy lừng qua các triều đại sinh ra ở đây, nhiều nhân vật có công trạng lớn đóng góp cho lịch sử oai hùng và tinh hoa văn hóa dân tộc như: Triệu Thị Trinh sinh ra ở vùng núi Quan Yên (thuộc xã Định Công và Định Tiến ngày nay), hai anh, em Khương Công Phụ, Khương Công Phục sinh ra ở xã Định Thành, với tài năng thiên phú ông được nhà Đường cho làm đến chức Tể Tướng được nhà Vua đặc biệt yêu quý, trọng dụng. Đền thờ Khương Công Phụ ở xã Định Thành đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.

 Ở xã Định Tiến và Yên Trung sinh ra Đào Cam Mộc, một công thần thời Lý đã giúp Lý Công Uẩn lên ngôi Vua năm 1009 khai sáng ra triều đại thịnh vượng của dân tộc, thời Lý ở xã Định Long xưa còn sinh ra Quan Ngọ Tư Thành. Đời nhà Hồ, ở Định Tăng có Tiến sỹ Hoàng Hối Khanh. Thời Hậu Lê, xã Định Hòa sinh ra Ngô Kinh, Ngô Từ và Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao (1421) là con của Ngô Từ và bà là mẹ của Vua Lê Thánh Tông. Đền thờ Ngô Thị Ngọc Dao và Phúc quang từ đường họ Ngô ở xã Định Hòa được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia.

 Yên Định cũng là mãnh đất sinh ra những nhân vật nổi tiếng như: Trịnh Thiết Trường, Tiến sỹ Trần Ân Triêm, Bảng nhãn Hà Tông Huân, Đại Vương Lê Đình Kiên, ông sinh ra ở làng Thiết Đinh xã Định Tường, là người có công lớn khai sáng ra Phố Hiến, một thương cảng sầm uất “ Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Đền thờ Lê Đình Kiên đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Đền thờ Đại Vương Lê Đình Kiên xã Định Tường, Yên Định.

 Trải qua các cuộc kháng chiến chống pháp và chống Mỹ cứu nước, Yên Định đã đóng góp sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến góp phần làm nên những chiến công vẻ vang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Nhiều Làng ở Yên Định đã trở thành cái nôi của cách mạng và được công nhận là làng có công với nước, Yên Định có 224 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 3187 liệt sỹ, 6 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 1 anh hùng lao động.

 Năm 1961 Bác Hồ về thăm Hợp tác xã Yên Trường là điển hình trong lao động sản xuất, xây dựng HTX và Định Công cũng là HTX điển hình của cả nước những năm thập niên 70, nhiều địa phương được các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và nhà nước về thăm, động viên, khen ngợi.

Nơi Bác Hồ về thăm HTX Yên Trường năm 1961.

 Bước sang công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi sướng và lãnh đạo, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Yên Định luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, tích cực thi đua lao động, sản xuất, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng diện mạo Nông thôn mới ngày càng khởi sắc, phát triển trên tiến trình đổi mới và hội nhập.

Với những thành tựu đạt được trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, Yên Định vinh dự được Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý:Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới và đặc biệt năm 2015 vinh dự được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Huyện Yên Định hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đơn vị đầu tiên của Tỉnh Thanh hóa và Khu vực Bắc Trung Bộ đạt chuẩn nông thôn mới.Đây là niềm vinh dự, tự hào rất lớn giành cho những cố gắng, nổ lực bền bỉ và tinh thần năng động, sáng tạo,dám nghĩ, dám làm của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Yên Định trong quá trình triển khai và thực hiện các phong trào, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng tại địa phương.

Ngày nay, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân trong huyện luôn chăm lo phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi, đảm bảo an sinh xã hội tạo ra sự phát triển toàn diện và vững chắc.

 Trên lĩnh vực kinh tế: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất năm 2018 đạt 18,56% đạt 100,14% kế hoạch, trong đó cơ cấu ngành Nông – Lâm - Thủy sản: 30,02%; Công nghiệp, xây dựng cơ bản:33,92%; Dịch vụ 36,06%.

 tổng diện tích  gieo trồng 29.227ha, năng xuất lúa bình quân đạt trên 66 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực đạt 140.000 tấn, chiếm  1/10 sản lượng lương thực của Tỉnh.

 Huyện đã quy hoạch thành công và duy trì hiệu quả hơn 8000 ha vùng thâm canh lúa năng xuất, chất lượng cao chiếm phần lớn trong tổng diện tích sản xuất lúa hằng năm của huyện. Nhiều địa phương trong huyện tiếp tục đi đầu trong sản xuất lúa lai F1, ngô lai F1. Tích cực chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, phát huy tốt tiềm năng, ưu thế của từng vùng, từng  địa phương để quy hoạch sản xuất các loại cây nông sản, cây công nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao như: Ớt xuất khẩu, mía nguyên liệu, hoa, rau mầu ngắn ngày khác... cho hiệu quả kinh tế cao.

 Lĩnh vực chăn nuôi phát triển ổn định cả về số lượng và chất lượng, kinh tế trang trại phát triển, toàn huyện hiện có 878 trang trại, gia trại, trong đó có 125 trang trại đạt tiêu chí.

Máy gặt đập liên hợp sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.

 Trong năm 2018 đã khánh thành trang trại số 1 thuộc tổ hợp trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao VINAMILK Thanh Hóa. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 2.865 tỷ đồng.

 Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm được tập trung chỉ đạo thực hiện đạt hiệu quả cao, các xã, thị trấn tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí Nông thôn mới với phương châm phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và bền vững tại địa phương.

 Công tác xây dựng xã an toàn thực phẩm được triển khai, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, xây dựng được nhiều chuỗi thực phẩm an toàn, quầy hàng cung ứng thực phẩm sạch, an toàn.

 Cùng với  phát triển nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới, hoạt động công nghiệp – TTCN, xây dựng cơ bản thực sự phát triển mạnh mẽ về quy mô và chất lượng, hoạt động kinh doanh dịch vụ được mở rộng trong nhân dân.

 Ngoài việc xây dựng và ban hành các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển Tiểu thủ công nghiệp, các cơ sở khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, mộc dân dụng, cơ khí, chế biến nông sản, thủ công mỹ nghệ...

huyện tiếp tục phát triển, nâng cao quy mô sản xuất ngành công nghiệp, nhiều Dự án đầu tư lớn đi vào hoạt động hiệu quả giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn trong và ngoài địa bàn huyện như: Công ty may xuất khẩu Tiên Sơn, công ty may Quang Minh, công ty TNHH giầy ALENA, tổ hợp các trang trại chăn nuôi bò sữa Thống Nhất, các nhà máy sản xuất gạch, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến, khai thác đá sẻ ở xã Yên Lâm... giá trị sản xuất ngành CN – TTCN năm 2018 đạt 2.376 tỷ đồng.

Toàn cảnh công ty TNHH Giày Alena tại xã Định Liên, Yên Định.

 Công tác phát triển doanh nghiệp được chú trọng với tổng số hiện nay toàn huyện có 443 doanh nghiệp.

 Quan tâm, chăm lo phát triển kinh tế gắn với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tạo ra sự phát triển toàn diện để đảm bảo đời sống dân sinh.

 Huyện đã huy động nguồn lực đầu tư nhiều công trình quan trọng  và phúc lợi xã hội.

 Các Dự án đầu tư lớn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Định Long, Định Liên; Hệ thống kênh Bắc sông Chu – Nam sông Mã (Hồ Cửa Đạt); Đường vành đai thị trấn Quán lào; Khu đô thị mới Quán lào; Các tuyến đường giao thông nối QL 45 đi Định Tăng; Đường giao thông xã Yên Lâm đi xã Cao Thịnh - Ngọc Lặc; Đường giao thông QL 47B với Tỉnh lộ 516D; Nhà máy điện năng lượng mặt trời xã Yên Thái...Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2018 đạt trên 1.700 tỷ đồng. 

Công tác quản lý tài nguyên môi trường tập trung chỉ đạo, chấn chỉnh các hoạt động khai thác khoáng sản, hướng dẫn các xã, thị trấn tập trung nâng cao tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng thôn, làng, xã kiểu mẫu.

 Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân luôn đảm bảo kịp thời, thiết thực. Công tác tài chính tín dụng thực hiện đúng luật. Hoạt đọng thương mại dịch vụ, các tổ chức tín dụng, ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn với tổng nguồn vốn hơn 3.000 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong nhân dân đạt 2.740,8 tỷ đồng. Hàng hóa tham gia xuất khẩu 41,3 triệu USD.

 Hệ thống thông tin tuyên truyền, bưu chính viễn thông được phủ kín trên địa bàn góp phần truyền tải đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân.

 Các hoạt động văn hóa xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, nếp sống văn hóa mới được thực hiện sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, công tác trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử được quan tâm đúng mức.

 Hoạt động y tế, giáo dục phát triển tiến bộ, những năm qua Yên Định luôn ở tốp dẫn đầu của Tỉnh về số học sinh giỏi cấp Tỉnh, chát lượng giáo dục mũi nhọn, giáo dục đại trà được nâng lên, ngày càng nhiều học sinh thi đậu các trường Đại học, cao đẳng.

 Chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được nâng lên theo hướng chuẩn hóa, hiện dại hóa.

 Các vấn đề đảm bảo an sinh xã hội được thực hiện tốt, công tác xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả cao, đến nay tỷ lệ hộ nghèo trong huyện giảm xuống chỉ còn 3,6%, thu nhập bình quan đầu người đạt 38,72 triệu đông/người/năm. An ninh quốc phòng được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững. Hàng năm luôn hoàn thành tốt công tác hậu phương quân đội.Quan tâm xây dựng Đảng, Chính quyền, hệ thống chính trị luôn trong sạch, vững mạnh, phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu các cấp, biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân điển hình tiên tiến trong qua trình triển khai, thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị.

Có thể khẳng định: Với những bước đi hiệu quả, những thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh đã và đang tạo ra những tiền đề cơ bản và thuận lợi để Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân trong huyện tiếp tục vững bước đi lên trên tiến trình đổi mới và hội nhập, xây dựng quê hương Yên Định ngày càng giàu đẹp, văn minh, vươn lên trên những tầm cao mới.

 Yên Định hôm nay đang thực sự chuyển mình mạnh mẽ, xứng danh huyện Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới và huyện Nông thôn mới dẫn đầu của tỉnh và Khu vực Bắc Trung Bộ.

 

                                                                      

                                                                      Thực hiện: BTV Lê Hồng

                                                                       Đài TT – TH Yên Định