Lễ Hội truyền thống đền Hổ Bái

Trước khi sáp nhập với xã Yên Trường, xã Yên Bái (cũ) là đơn vị hành chính có duy nhất một làng là làng Hổ Bái. Từ khi hai xã sáp nhập lại thành xã Yên Trường, làng Hổ Bái cùng với ba làng khác là làng Kiểu, làng Lựu Khê và làng Thạc Quả đã trở thành nơi tập trung 4 điểm di tích nổi bật là: Khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm xã Yên Trường, đền Hổ Bái, đền thờ Trương Công Mỹ và Bia ký Hoàng Giáp thượng thư Trịnh Cảnh Thụy. Vì thế, nơi đây là điểm đến thú vị cho những ai muốn khám phá, tìm hiểu về con người và mảnh đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử này.

Một số hình ảnh tế lễ tại lễ hội.

 

Theo Địa chí xã Yên Bái và Thần phả làng Hổ Bái, đền Hổ Bái thờ thần Lạc Hầu Hợp Lang, người con thứ mười một của Vua Hùng. Hợp Lang vốn là một người có diện mạo khác thường, trí dũng siêu việt. Trong một lần theo dòng sông Mã tìm đến đất Trang Trân Bái ở huyện Yên Định (nay là làng Hổ Bái), sau khi quan sát đất trời, nghiên cứu địa hình, ngài thấy hình sông thế núi nơi đây uyển chuyển với giải đất anh linh khẳng định đây là chốn linh thiêng, bèn cho xây dựng một ngôi đền thờ ở bên sông - chính là đền Hổ Bái ngày nay. Công việc xong, Lạc Hầu trở về thủy cung vào ngày 4 tháng Tư. Từ đó trở đi, ngày này trở thành một ngày lễ lớn để người dân nhớ tới công lập làng dựng đền của thần Hợp Lang.

    Cũng theo sử sách ghi chép lại, liên quan đến đền Hổ Bái, ngoài sự kiện thần Hợp Lang về cho xây dựng đền thì vẫn còn 3 sự kiện quan trọng và ý nghĩa khác. Đó là trong một lần Bà Trưng về đền cầu anh linh Vua Hùng phù hộ để diệt giặc ngoại xâm bảo vệ bờ cõi. Lời khấn cầu linh ứng, Hai Bà Trưng cùng nghĩa quân đã đánh tan quân giặc. Ngay sau đó, Hai Bà về đất Trang Trân Bái mở hội ăn mừng trong một tháng và hạ lệnh tu sửa đền thờ ngay sau đó.

     Tiếp theo là vào năm 1286, khi đất nước vừa đánh tan năm mươi vạn quân giặc Mông Nguyên thì lại rơi vào cảnh hạn hán khốc liệt khiến Nhân dân điêu đứng vì đói kém. Nhân cơ hội này, kẻ thù xâm lược lại lăm le tấn công lần nữa. Đứng trước tình cảnh này, vua Trần Nhân Tông lệnh cho các Đình thần trở về chính ngôi đền thờ thiêng ở Trang Trân Bái làm lễ tế để xin cho đất nước qua cơn hoạn nạn. Ba ngày sau, tự nhiên trời giáng xuống cơn mưa lớn, cứu được dân chúng khắp nơi thoát được cơn hạn hán. Trước sự linh ứng ấy, vua lệnh truyền cho các cụ già bản Trang Trân Bái tiến hành làm lễ tạ, tặng phong mỹ tự là: “Thượng đẳng phúc thần muôn đời được thờ cúng tới vô cùng vậy”. Nhà vua sắc phong thần đền Trang Trân Bái là Đương cảnh Thành Hoàng hiển hách anh linh, cứu tế rộng khắp, cho phép hai bên tả hữu Trang Trân Bái tiếp tục phụng thờ y như trước.

    Năm 1888, trước sự tấn công của thực dân Pháp, Nhân dân Trang Trân Bái đã tập hợp đội quân theo vua Hàm Nghi chống giặc. Khi biết nghĩa quân của ta đóng tại đền Hổ Bái, bọn Pháp đem một trung đội có đầy đủ súng ống về đàn áp nhưng Nhân dân Hổ Bái chiến đấu rất kiên cường. Bỗng một hôm, ngôi đền bốc cháy dữ dội. Từ cổng nghinh môn, đền chính, tẩm cung, tượng, ngọc phả đều biến thành tro bụi. Nhưng chỉ tám năm sau, đến đời vua Thành Thái (1896), đền đã được xây dựng lại bề thế và vững chắc như trước. Trải qua những biến cố, thăng trầm của lịch sử, ngôi đền bị xuống cấp nghiêm trọng nên hiện nay đã được Nhà nước cho trùng tu, tôn tạo sẽ tái hiện được đầy đủ nét kiến trúc độc đáo của ngôi đền.

Một số hình ảnh tiết mục văn nghệ tại lễ hội truyền thống đền Hổ Bái năm 2023

     Đã thành thông lệ, cứ vào ngày 9 tháng 2 âm lịch hàng năm, chính quyền địa phương và Người dân làng Hổ Bái, Nhân dân các vùng lân cận lại nô nức tụ họp về đây để tham gia lễ hội. Đây là ngày hội lớn với các chương trình rước kiệu, tế lễ và có nhiều tiết mục ca hát cùng các trò chơi truyền thống hấp dẫn thu hút đông đảo người dân tham gia. Đền cổ Hổ Bái là mảnh đất thiêng, là nơi chứa đựng những giá trị văn hóa quý giá lâu bền đáng tự hào./.

Một số hình ảnh cuộc thi bánh lá và kéo co tại lễ hội truyền thống đền Hổ Bái năm 2023.

Thực hiện: Lê Uyên