Xác định vụ đông là vụ sản xuất chính trong năm, giữ vai trò quan trọng đối với việc thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp cả năm, ngành Nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn huyện Yên Định đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bảo đảm gieo trồng vụ đông trong khung thời vụ tốt nhất, phấn đấu giành kết quả cao về năng suất, sản lượng và giá trị.
Vụ đông 2023-2024, toàn huyện có kế hoạch gieo trồng 4.760 ha trở lên. Trong đó, cây ngô 1.900 ha trở lên, sản lượng đạt 10.070 tấn; cây đậu tương 100 ha trở lên; cây xuất khẩu 800 ha trở lên; rau, đậu các loại 1.450 ha trở lên…Diện tích liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đạt 1.450 ha trở lên. Khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp, HTX và các hộ có điều kiện thuê, mượn đất của dân tích tụ tập trung đất đai quy mô lớn để sản xuất cây vụ đông; tập trung vào các cây trồng có lợi thế, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, thị trường ổn định như ớt xuất khẩu, ngô làm thức ăn chăn nuôi, ngô F1, bí giống, khoai tây, hành, tỏi... đồng thời gắn sản xuất với chứng nhận an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao giá trị thu nhập đối với người sản xuất rau, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Bên cạnh những thuận lợi, sản xuất vụ đông 2023-2024 được dự báo sẽ gặp những khó khăn, như: Biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan trái với quy luật sẽ ảnh hưởng tiêu cực và là thách thức lớn đối với thu hoạch vụ Mùa và sản xuất cây vụ Đông; nhân lực phục vụ cho sản xuất vụ Đông thiếu làm ảnh hưởng đến việc mở rộng diện tích và bố trí cây trồng trong khung thời vụ tốt nhất; thị trường, giá các sản phẩm nông sản không ổn định, nhất là các sản phẩm có giá trị kinh tế cao như ớt, khoai tây, rau các loại... tác động đến tâm lý tham gia đầu tư của người nông dân. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với sự tham gia của doanh nghiệp, áp dụng sản xuất an toàn còn ít; việc thực hiện hợp đồng liên kết của nông dân chưa được đảm bảo, các HTX dịch vụ nông nghiệp chưa phát huy hết vai trò, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ chưa thực sự hiệu quả, chưa tạo được những mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, sản phẩm nông sản chưa đồng đều. Giá các loại vật tư đầu vào vẫn ở mức cao ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Sâu bệnh hại vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ gây hại nặng trên ngô và nhiều loại cây trồng khác (như sâu keo mùa thu), làm giảm năng suất và sản lượng nếu không được phòng trừ kịp thời….
Để sản xuất vụ Đông 2023-2024 đảm bảo thời vụ và chỉ tiêu diện tích theo kế hoạch đề ra, ngành nông nghiệp huyện Yên Định đã xây dựng các giải pháp thực hiện, trong đó tập trung chỉ đạo quyết liệt thu hoạch nhanh diện tích lúa Mùa, đảm bảo gieo trồng vụ Đông trong khung thời vụ tốt nhất. Đảm bảo đủ nhu cầu nước cho cây trong các giai đoạn cần thiết, tiêu thoát nước tốt khi gặp mưa bão gây ngập úng. Ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; mở rộng diện tích cây trồng vụ Đông theo hướng tăng diện tích ngô (kể cả ngô lấy hạt và ngô làm thức ăn xanh), đậu tương (trên đất 2 lúa), ớt xuất khẩu, cây dược liệu và cây rau màu có giá trị kinh tế cao, bền vững. Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và kiểm tra của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong chỉ đạo sản xuất vụ Đông.
Ưu tiên sử dụng các giống cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, cho năng suất cao, chất lượng tốt. Cụ thể, đối với cây ngô trên các chân đất chuyên màu, đất bãi, gieo trước ngày 20/9/2023; Trên đất 2 lúa gieo trồng trước ngày 05/10/2023: Riêng đối với ngô làm thức ăn xanh cho gia súc cần bố trí các giống ngô cho sinh khối lớn như: PSC747, VS36, NK7328, NK66Bt/GT... để đạt năng suất cao, thời vụ gieo có thể đến 15/10/2023. Đối với cây đậu tương tập trung gieo trước ngày 05/10 và bố trí chủ yếu trên đất 2 lúa ở chân đất vàn, vàn thấp chủ động tưới tiêu. Cây ớt thời vụ gieo giống trồng trên diện tích đất màu và đất một vụ lúa bố trí trước ngày 01/9.
Ngoài ra, các địa phương cần tính toán rải vụ sản xuất một cách phù hợp cho từng đối tượng cây trồng một cách phù hợp để tránh hiện tượng thừa thiếu cục bộ. Cùng với đó tăng cường công tác kiểm tra, quản lý Nhà nước về chất lượng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các loại vật tư hàng hóa nông nghiệp trên địa bàn; hỗ trợ kỹ thuật, tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản và có hợp đồng bao tiêu sản phẩm để nông dân yên tâm sản xuất.
Đức Nguyên, TTVHTTTTDL