Gắn kết bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch với xây dựng nông thôn mới ở Yên Định

Xác định văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển, trong những năm qua và nhất là trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Yên Định đã luôn coi trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa và phát triển các hoạt động du lịch nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bên cạnh phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất của người dân, Yên Định còn chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, đồng thời tạo ra những giá trị mới cho nông thôn, đó là nông thôn hiện đại với những giá trị về kinh tế, văn hóa, xã hội.

Huyện Yên Định hiện có 49 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trong danh mục kiểm kê, ghi danh, xếp hạng; trong đó, di tích xếp hạng cấp Quốc gia: 07 di tích; di tích cấp tỉnh: 42 di tích. Đến nay, công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn huyện ngày càng được quan tâm. Ngoài nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách, huyện đã huy động xã hội hóa được trên 70 tỷ đồng; nhiều di tích lịch sử - văn hóa đã được bảo quản, tu bổ, phục hồi kịp thời, góp phần bảo tồn di sản văn hóa, trở thành sản phẩm du lịch văn hoá, thu hút khách thập phương tham quan và hành lễ như: Khu di tích Núi và Đền Đồng Cổ, Điện Thừa Hoa và Từ đường Phúc Quang, Địa điểm Bác Hồ về thăm Yên Trường, Đền Hổ Bái... Hằng năm, huyện tổ chức các hội nghị tập huấn bảo tồn di sản văn hóa nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác văn hóa cơ sở trong việc nhận biết các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, vật thể. 

Khu di tích Núi và Đền Đồng Cổ xã Yên Thọ.

Bên cạnh đó, huyện có 25 Lễ hội truyền thống diễn ra hàng năm, trong đó có nhiều lễ hội thu hút, như: Lễ hội Trò Chiềng; Lễ hội Đền Đồng Cổ; Lễ hội Phủ Nhì; Lễ hội đua thuyền trên sông Mã (thị trấn Quý Lộc), Lễ hội đua thuyền trên sông Cựu Mã Giang (xã Yên Trung)… Trong đó “Lễ hội Trò Chiềng” được Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2017. Các lễ hội vừa đảm bảo các nghi lễ truyền thống vừa được thực hiện theo nếp sống mới, phù hợp với tình hình hiện nay. Nhờ đó, các lễ hội gắn với di tích được tổ chức đã góp phần quan trọng trong gìn giữ và phát huy giá trị di tích, di sản, văn hóa, nghệ thuật dân gian của địa phương.

Lễ hội Trò Chiềng xã Yên Ninh.

Với mục tiêu thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Yên Định đã ưu tiên phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Huyện đã ban hành Đề án “Phát triển du lịch gắn với phát huy các giá trị lịch sử văn hóa huyện Yên Định, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”;  xây dựng tuyến du lịch kết nối các điểm đến văn hoá - lịch sử và vui chơi, nghỉ dưỡng trong huyện, như: Làng du lịch Yên Trung, Khu di tích lịch sử cách mạng Yên Trường, Phủ Cẩm, Điện Thừa Hoa và các điểm đến ở địa phương lân cận, như: Lam Kinh, thành nhà Hồ, suối cá thần Cẩm Thuỷ… Huyện cũng đã thực hiện số hóa dữ liệu di tích văn hóa - lịch sử trên địa bàn huyện. Đến nay, một số di tích đã được số hóa như: Di tích Núi và Đền Đồng Cổ, Di tích Điện Thừa Hoa và Từ đường Phúc Quang, Di tích Đền Lê Đình Kiên, Di tích Đình làng Là, Di tích Đền thờ Lý Thường Kiệt, Di tích Đền thờ Ngọ Tư Thành, Di tích Chùa Hưng Phúc, điểm du lịch phủ Cẩm, xã Định Công. Cùng với đó, huyện còn chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch sinh thái. Trong đó, Làng du lịch Yên Trung được xem là điểm đến hấp dẫn của Xứ Thanh.

Trong thời gian tới, huyện Yên Định tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bố trí không gian phù hợp tiềm năng phát triển du lịch, vừa bảo tồn bản sắc truyền thống; xây dựng văn hóa du lịch chuyên nghiệp, thân thiện, an toàn và văn minh.

Đức Nguyên. Trung tâm VHTTTTDL