Lễ hội đền Đồng Cổ - Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia
Sáng 12/4 (tức ngày 15/3 âm lịch), tại xã Yên Thọ, UBND huyện Yên Định đã tổ chức Lễ hội Đền Đồng Cổ - Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia. Đây là năm được tổ chức với quy mô, hình thức của lễ hội di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia sau khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận năm 2024. Dự lễ hội có đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Về phía huyện có các đồng chí Vũ Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, Phụ trách Đảng bộ huyện. Phạm Tiến Dũng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; Hoàng Trung Hưng, Ủy viên BTV Huyện ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện; Lê Đức Thọ, Ủy viên BTV Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQ huyện; Lê Xuân Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội; các ban, ngành, đoàn thể huyện; đại diện Hội đồng Lưu tộc Việt Nam cùng đông đảo Nhân dân và du khách thập phương.



Diễn văn tại buổi lễ, đồng chí Phạm Tiến Dũng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: Lễ hội được tổ chức từ ngày 13 đến 15 tháng 3 âm lịch (từ ngày 10 đến 12/4) nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của Thần Đồng Cổ đã giúp nhiều đời vua và Nhân dân đánh thắng ngoại xâm, diệt trừ phản loạn. Đặc biệt, vào thời nhà Lý, thần Đồng Cổ đã hai lần báo mộng giúp vua đánh thắng giặc. Khi Vua Lý Thái Tông lên ngôi (năm 1028) đã phong tước vương cho Thần Đồng Cổ. Ngoài ra, Lễ hội còn là dịp quảng bá, giới thiệu cho du khách giá trị đặc trưng của Lễ hội, núi và đền Đồng Cổ.

Tại buổi Lễ, đồng chí Vũ Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, Phụ trách Đảng bộ huyện đã đánh trống khai hội.

Lễ hội gồm hai phần. Phần lễ: Dân làng rước kiệu từ đền Đồng Cổ về đình Phúc tế lễ xin linh khí thần Đồng Cổ, sau đó rước kiệu từ đình Phúc về đền Đồng Cổ làm lễ Tế cáo yết và dâng hương. Tại buổi Lễ, đại biểu và Nhân dân được xem hoạt cảnh tái hiện lại lịch sử thần Đồng Cổ, sự hình thành núi và đền Đồng Cổ, do Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn biểu diễn.








Trong khuôn khổ Lễ hội diễn ra đêm giao lưu văn nghệ quần chúng; các trò chơi, trò diễn dân gian thu hút đông đảo nhân dân, du khách thập phương và trưng bày sản phẩm OCOP, các sản phẩm đặc trưng của huyện Yên Định và một số địa phương trong tỉnh.

Lê Uyên