Huyện Yên Định quan tâm nâng cao văn hóa ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội
Những năm qua, huyện Yên Định luôn quan tâm đẩy mạnh, đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật, các chuẩn mực, giá trị văn hóa gia đình đến đông đảo người dân.
Xác định xây dựng gia đình văn hóa là nội dung cốt lõi trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nên công tác tuyên truyền, vận động được huyện Yên Định thực hiện thông qua nhiều hình thức như: qua phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền, cổ động trực quan, qua các buổi hội họp... Qua đó, ý thức tự giác của các gia đình trong việc thực hiện các tiêu chuẩn gia đình văn hóa cũng ngày càng tốt hơn. Các gia đình luôn gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương; giúp nhau phát triển kinh tế, giữ gìn nền nếp gia phong trên cơ sở tiếp thu các yếu tố văn minh, hiện đại... Nhờ đó, phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn huyện ngày càng đi vào chiều sâu, nền nếp văn hóa ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, giữa người thân, hàng xóm láng giềng với nhau ngày càng bền chặt, đoàn kết. Theo số liệu thống kê năm 2021, toàn huyện có 149/149 khu dân cư đăng ký giữ vững danh hiệu văn hóa; 138 cơ quan, đơn vị đăng ký danh hiệu đạt chuẩn văn hóa; 44.620/47.981 hộ gia đình tham gia đăng ký xây dựng danh hiệu Gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 93%; 87,5% hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa, trong đó 68% trở lên các hộ đạt 3 năm liên tục. Đến nay, huyện đã có trên 81% công dân đạt kiểu mẫu và hơn 70% gia đình đạt kiểu mẫu.


Trong quá trình thực hiện phong trào “TDĐKXDĐSVH” trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến được các cấp, ngành biểu dương, khen thưởng. Trong đó có 02 tập thể được Bộ VHTTDL tặng Cờ thi đua; 01 tập thể và 01 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 11 tập thể và 23 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Có thể nói việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Qua đó đã khẳng định được ý nghĩa tầm quan trọng của phong trào góp phần vào quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Theo đó ý thức tự quản, tự giác chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước trong cộng đồng dân cư không ngừng được nâng lên, vai trò gương mẫu, nêu gương của cán bộ, đảng viên được phát huy, tình làng nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết tương trợ trong lao động sản xuất ngày càng gắn bó, sự gắn kết cộng đồng ngày càng cao.
Đức Nguyên