Định Tăng là một vùng đất cổ nằm giữa hai huyện Yên Định và Thiệu Hóa, trước đây, mảnh đất này là điểm hội tụ của hai con sông Mạn Định và sông Cầu Chày, dân cư phân bố đều ở hai bên, có truyền thống lịch sử và văn hoá gắn liền với lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc. Trải qua các bước thăng trầm lịch sử, các thế hệ người Định Tăng đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách từng bước đi lên cùng với nhân dân các xã trong Huyện xây dựng huyện Yên Định là đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới. Là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa.
Theo sử sách ghi chép lại, Định Tăng gồm đất đai các đất đai các xã Thiệu Vũ, Thiệu Thành (huyện Thiệu Hóa) nằm trong huyện An Định, quận Cửu Chân, huyện Tư Phố. Dưới triều đại vua Lê Thánh Tông, Định Tăng thuộc huyện Yên Định, phủ Thiệu Thiên trong Thanh Hóa thừa tuyên. Thời vua Gia Long triều Nguyễn, xã Định Tăng được chia ra hai vùng đất khác nhau về địa dư hành chính, phong tục tập quán và sinh hoạt đời sống.
Vùng 04 làng Bản: Gồm 4 làng bản là Bái Trại, Thiết Đinh, Thạch Đài, Hoạch Thôn thuộc tổng Trịnh Xá, huyện Yên Định có sông Mạn Định chảy qua. Vùng này ruộng ít, người đông, có chợ bản, đường giao thông, thủy bộ thuận lợi.
Vùng 03 làng lim: bao gồm Yên Lâm Thượng, Yên Lâm Trung, Thuận Mỹ. Vùng này nằm ven sông Cầu Chày, cây cối um tùm, rậm rạp , đất nhiều, người ít, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên các làng trong vùng có quan hệ nguồn gốc gắn bó mật thiết với nhau.
Cuối năm 1953, thực hiện sắc lệnh giảm tô, do có sự phân chia lại khu vực đất đai xã Định Tường chia làm 02 xã Định Tường và Định Tăng, xã Định Tăng gồm các làng Bái Trại, Thạch Đài, Hoạch Thôn, Phú Thọ, đến tháng 1/1954, xã Định Tăng chính thức được thành lập, hiện nay xã có 7 thôn. Bái trại, Bái trại 1, Thạch Đài, Hoạch Thôn, Phú Thọ, Phú Cẩm, Phú Cường.
Như vậy, trong suốt chiều dài lịch sử, Định Tăng trải qua quá trình phát triển lâu dài, đây cũng là cái nôi bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương dân tộc.
Truyền thống lao động
Xuyên suốt ngàn năm lịch sử, ngay từ thuở sơ khai mở đất và quá trình lập ấp, dựng làng trên vùng đất châu thổ cây cối um tùm, rậm rạp , đất nhiều, người ít nằm giữa hai con sông Mã và Sông Chu có sông Mạn Định và Cầu Chày chảy qua. Nhưng xưa kia, nơi đây là những bải sình lầy, chưa có đêbao, lũ lụt hạn hán thường xuyên xảy ra đã tôi luyện cho người dân Định Tăng trí thông minh và tinh thần lao động cần cù, sáng tạo. Họ đã biết dựa vào điều kiện tự nhiên tạo dựng cuộc sống. Bằng bàn tay lao động, con người nơi đây đã bền bỉ cải tạo tự nhiên, biến vùng đất hoang vu thành xóm làng trù phú, phát triển nông nghiệp trồng lúa, hoa màu, khoai, đậu; các loại cây công nghiệp như bông, sở, chè..., cùng các ngành nghề truyền thống. Đến nay, đồng ruộng Định Tăng tương đối bằng phẳng rộng rãi và phì nhiêu .
Với kinh nghiệm trong quá trình sản xuất nông nghiệp trồng trọt, người dân Định Tăng đã biết phân vùng canh tác phù hợp cho từng loại cây trồng để phù hợp với thế đất và chất đất và từng thời vụ. Các giống lúa trước đây được nhân dân đưa vào gieo trồng như lúa Thông, lúa Lốc, lúa hạt tiêu, lúa chăm.....vv năng suất chỉ đạt từ 50-100kg/sào.
Lúa nước trồng ở những cánh đồng kề sông, nổ trũng. Đã chú ý chọn những giống lúa phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương và từng chân ruộng chiêm, mùa. Giống lúa vụ mùa là các loại lúa Chậu, Hạt Tiêu (cấy đồng sâu); đồng vàn cấy Gié Muối, Ghé Nghệ (gieo mạ tháng 4, cấy tháng 5, thu hoạch tháng 10 âm lịch). Giống lúa vụ chiêm bao gồm Chiêu Chanh, Chim Châu, Chim Cút; các loại giống nếp Mày, nếp Vàng, nếp Trắng... (gieo mạ và cấy tháng 9, 10, thu hoạch tháng 5 âm lịch hàng năm). Trên đồng cao thì trồng lúa Lốc (chịu được hạn).
Định Tăng không chỉ giàu kinh nghiệm trong gieo trồng cây lúa mà còn rất giàu kinh nghiệm về trồng khoai lang, các loại đậu, các loại cây công nghiệp.
Khoai lang Định Tăng được trồng trên các chân ruộng cao, đất pha cát (trồng tháng 10, 11, thu hoạch tháng 4, 5 âm lịch). Do chọn được giống và hợp chất đất, nên khoai lang Định Tăng với các loại Lang Lim, Nghệ Vàng, khoai Chùm Dâu thơm ngon và đạt năng xuất cao ngoài ra các loại đậu đen, tằm, tương được trồng ở vùng đất màu, hoặc trồng xen với khoai. Ngoài ra còn trồng lạcSong, các loại cây trồng này cũng chỉ phục vụ sinh hoạt cho mỗi gia đình.
Các loại cây công nghiệp gồm: cây bông đã được trồng lâu đời ở Định Tăng với diện tích khá lớn tại các xứ Đồng bông, đồng Chẳn, , đồng Bù Tù...vv Bông được gieo hạt vào tháng 12, thu hoạch vào tháng 5, 6 âm lịch. Bông ở Định Tăng đạt chất lượng tốt đã được đem bán ở chợ Bản được nhiều người ưa chuộng.
Chính sự đa dạng của các cây trồng trong sản xuất nông nghiệp ở Định Tăng đã là nguồn kinh tế cung cấp cho quê hương và đóng góp vào quá trình xây dựng xóm làng.
Từ bao đời nay, nhân dân các làng ở Định Tăng luôn vững vàng trong mọi hoàn cảnh, cùng với trồng trọt, chăn nuôi, Định Tăng đã sớm tận dụng, khai thác các nguồn tài nguyên ở địa phương để phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân .
Đóng góp vào truyền thống lao động ở Định Tăng còn có các nghề thủ công truyền thống. Đó là các nghề mộc, kéo sợi, dệt vải, đan thúng, rổ, gầu, sòng, sọt tre, đan đó, ống trúm để tăng thêm thu nhập cho các hộ gia đình. Bên cạnh đó còn có các nghề khác như: Nề, đóng xay, nấu gạch tuy ra đời sau nhưng cũng nhanh chóng phát triển góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân
Chợ bản là nơi trao đổi hàng hóa có tiếng trong vùng, trung tâm kinh tế hết sức quan trọng trong xã. Theo đánh giá của học giả người Pháp Ch.Robequanin thì trước thời Pháp thuộc đây là chợ lớn nhất Tỉnh, các thương nhân Pháp kiều, Hoa kiều và thương nhân các tỉnh Bắc kỳ đến chợ Bản thu mua các mặt hàng nông , lâm sản (bông, tơ tằm, thóc gạo) và trâu bò. Chợ Bản mỗi tháng họp 6 phiên vào các ngày 1,5,10,15,20,25 nên có câu ca dao:
Chợ Bản một tháng 6 phiên
Anh mua chiếc yếm hoa hiên cho nàng
Hàng bông dãy dọc, hàng yến dãy ngang
Không biết cô nàng bán vải ngồi đâu
Khách phương xa cũng đến bán các mặt hàng như Nồi đất Nghệ an, làng Vồm (Thiệu Hóa), chum vại, mắm muối, cá tươi, cá khô (Sầm Sơn, hậu lộc, tỉnh gia) hàng lâm sản (như luồng gỗ, song, mây, củ nâu, cánh kiến...vv). Sự đa dạng, phong phú cảu các mặt hàng cùng sự sinh hoạt nhộn nhịp ở chợ Bản đã được văn học dân gan trước năm 1945 phản ánh một cách sinh động.
Ngẫm xem phong cảnh huyện Yên
Hóa ra chợ Bản lắm tiền cũng sang
Phủ thiệu, Phủ Thọ lên xuống xốn xang
Trông vào chợ Bản có bốn con đường chạy vô
Qua sông cầu gác hai bờ
Trên ngói, dưới lát ván, người vô liền liền
Hàng nước hai dãy hai bên
Hàng quà, hàng bánh cứ tiền tiêu pha
Vừa lên hàng lợn, hàng gà
Hàng mèo, hàng chó, gốc đa trâu bò
Ngày tết có chợ bán hoa
Ngày dưng cúng chỉ thường là thế thôi
Mắm, muối, chiếu, võng, một nơi hành tỏi
Giữa chợ có một cái đình
Đặt trên miệng cóc in hình chẳng sai
Thợ rèn bán thuổng, bán cuốc, bán mai
Lúa gạo gốc dưới, xuôi ngay hàng sồi
Giữa chợ có chị bán nồi
Xứ đồng xứ đất là tôi với chàng
Bán cơm vốn ở trong làng
Nào ai bán cả ống giang theo cày
Lại thèm thịt chó treo dây
Áo vóc, áo nhiễu, bông tây hoa tàu
Lại thêm hàng rượu, hàng dầu
Nào ai bán cả đĩa tàu, bát tây
Nào ai bán cả võng đay
Nào ai bán cả khăn đay lược ngà....
Chợ là điều kiện giúp cho Định Tăng mở rộng giao lưu và tiếp thu cái đẹp từ bên ngoài, làm giàu cho truyền thống lao động phát triển kinh tế - văn hoá quê hương.
Trong quá trình lao động chinh phục thiên nhiên, khai phá đất hoang, biến vùng đất rậm rạp hoang vu thành đồng ruộng phì nhiêu, xóm làng trù phú, các thế hệ ở Định Tăng đã xây dựng nên truyền thống lao động cần cù, sáng tạo. Từ trong lao động đã thúc đẩy mối gắn kết tình làng, nghĩa xóm để mỗi người dân Định Tăng nêu cao tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, chung sức, đồng lòng đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn trên quê hương.
Truyền thống văn hoá
Trải qua hơn ngàn năm lao động sáng tạo xây dựng, phát triển xóm làng, các thế hệ người Định Tăng đã đóng góp vào công cuộc gìn giữ quê hương đất nước và hun đúc nên những giá trị lịch sử, văn hoá giàu bản sắc.
Về giáo dục: Từ trong cái nôi của nền văn hoá làng, xã, văn hoá tinh thần của nhân dân Định Tăng cùng với sự phát triển cua Nho giáo trong cả nước. Định Tăng thời kỳ nào cũng có nhân dân tài, đỗ đạt cao và làm quan trong chiều, có nhiều đóng góp cho đất nước
Trong thời kì phong kiến Định Tăng là một xã có truyền thống hiếu học và cử nghiệp thuộc hàng sớm nhất của huyện Yên Định, có nhiều người đỗ đạt cao, tiêu biểu như ông Hoàng Hồi Khanh thi đỗ Thái học một nho sỹ thời Trần Phí Đế đỗ Thái học sinh ( Tiến sỹ ) khoa Giáp Tý 1384 lúc 23 tuổi được khai tên tại văn Miếu Quốc tử Giám Hà Nội .
Dưới triều Trần , Lê , Lê Trung Hưng , Nhà Nguyễn sự nghiệp khoa cử ở Định Tăng được hiển vinh. Theo tài liệu ghi trong sách “những nhà khoa bảng xứ Thanh” xuất bản năm 2011 của nhà xuất bản Thanh Hoá. Trong mấy trăm năm thi cử Hán học Định Tăng có 12 người đầu Đại khoa; Làng Bái Trại: Có 04 người gồm Hoàng Hồi Khanh đỗ tiến sỹ khoa Giáp Tý 1384, Lê Đình Rực đỗ hương công khoa Ất Dậu 1705, Lưu Đăng Trọng đỗ hương công khoa Đinh Mão 1747, Nguyễn Đôi đỗ hương cống khoa Ất Mão 1735; Làng Hoạch Thôn: có 04 người gồm Lê Trọng Danh đỗ Hương cống khoa Canh Ngọ 1750, Lê Huy Du đỗ Hương cống khoa Binh Tý 1756, Nguyên Hướng đỗ Hương cống khoa Mậu Ngọ 1738, Nguyễn Tân đỗ hương cống khoa Đinh Hợi 1767; Làng Phú Thọ có 04 người gồm Hà Văn Cán (Tức Lộc) đỗ cử nhân khoa Kỷ Mão 1879, Nguyễn Đình Trực đỗ hương cống khoa Kỹ Dậu 1729, Nguyễn Dung đỗ hương cống khoa Nhâm Tý 1732, Trịnh Trung Dương đỗ hương cống khoa Nhâm Tý 1732; Làng Thạch Đài có 01 người đó là Trần Văn Vãy đỗ Tú tài năm 1925. Bên cạnh những người có thành tích cao trong khoa cử kể trên, Định Tăng còn 1 số người thi đỗ võ quan được phong tướng quân như ông Trịnh Hữu Nhân ( làng Bái Trại), Lê Hưu Danh (làng Thạch Đài), Lê Hồng Quang (Minh Ninh Quang), Lê Hồng Đô (Hoạch Thôn), Hách Danh Hiền (Phú Thọ ) vv….
Ngày nay, phát huy truyền thống hiếu học của cha ông, các thế hệ học sinh Định Tăng đã vượt qua mọi khó khăn để đến trường tiếp thu những tri thức của nhân loại về xây dựng quê hương đất nước. nhiều người trong làng xã đã kế tiếp và phát huy nhưng tinh hoa của ông cha, phấn đấu và trưởng thành trên con đường học vấn, họ trở thành các nhà khoa học có học hàm, học vị cao như Phó giáo sư, Tiến sỹ Trịnh Ngọc Huệ, các tiến sỹ Lê Văn Nam, Trịnh Thị Xuyến, thầy thuốc nhân dân Lê Hải Quy (Bái Trại), ngoài ra còn nhiều thạc sỹ. Hiện nay phong trào khuyến học, khuyến tài ở Định Tăng không còn là việc riêng của mỗi gia dình, dòng họ mà thực sự trở thành việc chung của cộng đồng được Đảng, chính quyền và các đoàn thể qua tâm. Nhiều gia đình hiếu học là nhân tố tích cực trong các cuộc vận động xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn dân cư.
Về y tế: Đến trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, chữa bệnh ở địa phương chủ yếu là các thầy thuốc Đông, Nam y tại các làng. Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, trạm y tế xã đã được thành lập. Mặc dù cơ sở vật chất lúc này còn nghèo nàn, nhưng đã tạo nề nếp về công tác y tế, vệ sinh ở địa phương. Đến nay với phong trào xã hội hoá công tác y tế, Định Tăng đã xây dựng thành công xã chuẩn Quốc gia về y tế.
Về văn hoá tín ngưỡng
Là vùng đất cổ thuần nông với vị trí là vùng đồng bằng châu thổ, có Chợ lớn, giao thông thuận lợi, Định Tăng trong suốt chiều dài lịch sử đã tiếp nhận cư dân nhiều vùng miền trong ngoài tỉnh cùng cộng cư lập nghiệp. Do đó vùng đất thuần nông Định Tăng trở thành nơi hội tụ nhiều sắc thái văn hoá của dân tộc đã làm giàu cho văn hoá quê hương. Đó là sự lưu giữ đậm nét trên quê hương Định Tăng với nguồn văn hoá vật thể và phi vật thể như đền miếu, chùa, nghè, đình làng, phong tục, tập quán truyền thống, truyện kể dân gian, ca dao tục ngữ, lễ hội….
Trước cách mạng tháng 8 tất cả các làng trong xã đều có đình làng. Làng Bái Trại có đình sớm nhất vào năm 1297 đình có 4 mái 5 gian kiến trúc đời nhà Trần, bên cạnh đó còn nghè 7 gian, trong nghè có đủ các tượng lão vọng, bài vị trạm trổ hoa tinh tế, ngoài ra làng có 2 đền thờ trong đó có một đền thờ ông Hoàng Hối Khanh là một danh tướng thời Trần Hồ xây dựng năm 1408 (một năm sau ngày ông chết), một đền thờ Ông Trịnh Hữu Nhân xây năm 1690 Ông được Vua Lê phong là Chúc Đoan Túc Dực Bảo Trung Hung Tôn Thần. Ông được nhân dân tôn là Thành Hoàng làng. Các di tích đình làng, nghè , chùa của làng đều bị phá bỏ; Làng Thạch Đài có 1 chùa “Đà An Tự” là chùa lớn nhất trong vùng. Nghè thờ ông Lê Hữu Danh tự Nghị Vũ. Ông được Vua Lê phong chức “Trung Quân Mãnh Tướng Trung Liệt Thần” được nhân dân tôn là Thành Hoàng làng các di tích Đình lang, Chùa của làng đều bị phá bỏ; Làng Hoạch Thôn: Có 1 Nghè thờ 2 vị Thần Hoang làng là Ông Ninh Minh Quang (Lê Hồng Quang) có công với nước được nhà vua phong “ Thượng Tướng Trung Đẳng Thần” ông Hồng Đô được phong là trung uý thượng đẳng thần. Cả 2 vị đều được nhân dân tôn là thành Hoàng làng. Hiện nay nghè đã bị phá bỏ không còn lại di tích gì nữa. Ngoài ra làng còn có 01 ngôi đình đình lợp ngói 5 gian bằng gỗ xây dựng theo kiến trúc cổ đủ cột kèo, năm 1946 đã được tu bổ, năm 2001 đã được tôn tạo lại Hiện nay toàn xã duy nhất còn đình Hoạch Thôn làm nhà văn hoá thôn; Làng Phú Thọ trước đây gồm ba làng cả ba làng đều có đình làng, Làng thượng thọ ( Yên Lâm Thượng) có một đình làng, có 2 ngôi chùa một ngôi chùa ỏ Bù Tù xây dựng vào đời nhà Nguyễn thờ ông Hà Huy Cán (địa phương gọi là Hà Huy Lộc) gọi là chùa Lọc Cọc, 1 chùa ở khu Mã Hà gọi là chùa thượng thờ các vị có công với nước. Làng An Trung ( Yên lâm trung) có đình làng gọi là đình Trung to cao cột bằng gỗ lim xây dựng vào đời nhà Nguyễn. Đình Trung có nhiều dấu ấn lịch sử đối với cách mạng. Ngày 17 - 5 - 1945 tổ chức Việt Minh trong vùng tổ chức hội nghị diễn thuyết về cách mạng. Năm 1950 Trung đoàn 66 (đoàn Ký con) thuộc sư đoàn 304 Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại đây. Ngày 04- 06 -1962 UBND Tỉnh Thanh hoá tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm cải tiến công cụ sản xuất của HTX nông nghiệp Thú Thọ.
Làng Thuận Mỹ có một đình làng xây dựng đời nhà Lê, một nghè gọi là nghè Thuận Mỹ thờ các ông Nguyễn Đình Trực, Nguyễn Dung xây dựng đời nhà Lê có hai dãy nhà bằng gỗ lợp ngói, làng Thuận Mỹ có một chùa xây dựng to cao có nhà sư trông coi, sau khu nghè, chùa Thuận Mỹ có một khu đất khoảng hơn 2 ha để cho những người phụ trách khu đền, nghè sản xuất để lấy tiền thờ cúng nên được gọi là khu vườn thờ, đến nay tên gọi ấy vẫn giữ nguyên.
Đình làng là nơi tôn nghiêm thờ cùng Thành hoàng làng (người có công khai ấp, lập làng hoặc những đấng siêu phàm bảo vệ bình yên cho dân làng). Đình làng là nơi nơi hội họp, ban bố những quy ước, luật lệ của làng và cũng là nơi xử phạm vi phạm và khen thưởng... Đến nay tất cả các di tích lịch sử của định Tăng đã bị phá hủy, chỉ còn đình làng Hoạch Thôn mang đậm dấu ấn văn hóa độc đóa và tiêu biểu cho điêu khắc truyền thống.
Đại bộ phận dân cư Định Tăng chịu ảnh hưởng của nho giáo. Ngoài ra xã ngày xưa có hai làng có nhà thờ thiên chúa giáo thâm nhập vào Định Tăng từ thế kỷ XX. Ở Bái Trại do ông Kiểm Khoảng xây dựng năm 1920, đến năm 1949 nhà thờ họ bị đổ nát không có kinh phí để sữa chữa nên các tín đồ phải tu tại gia, từ đó đến nay không có nhà thờ nữa. Ở Hoạch Thôn do ông Hương Thiện cùng với các ông Gia Hanh,Ông Lê Văn Dửi, Ông Lê Văn Miện và được cha ngũ sử Ngọc Sơn giúp đỡ đã xây nhà thờ họ năm 1932. Đến Năm 1999 được xứ đạo cấp kinh phí xây dựng lại nhà thờ theo kiểu mới hiện đại như ngày nay
Ngày nay 7/7 làng đã tổ chức ngày hội làng tryền thống để tưởng nhớ các vị thần đã có công với làng đồng thời tổ chức các trò chơi dân gian như kéo co, cờ người, cờ tướng, chọi gà, trèo cột, bóng đá.....vv
Truyền thống chống ngoại xâm
Để có được cuộc sống bình yên lao động sản xuất xây dựng quê hương như ngày hôm nay người dân Định Tăng qua các thế hệ cùng nhân dân trong huyện trong tỉnh và cả nước dứng lên chống giặc ngoại xâm. Tình yêu ấy được nuôi dưỡng phát triển hun đúc thành truyền thống quý báu của người dân nơi đây
Nếu như nền sản xuất nông nghiệp lúa nước là nền tảng của một nèn văn hoá mang nhiều sắc thái thì lòng yêu quê hương đất nước là chất keo cố kết cộng đồng là bệ đỡ cho truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân Định Tăng trong lịch sử. Từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng , Bà Triệu đến các cuộc khởi nghĩa chống lại sự bành trướng của các thế lực phong kiến phương Bắc dưới các triều đại Lê, Trần, Lê nhân dân Định Tăng luôn hưởng ứng và ủng hộ các cuộc khởi nghĩa giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Trong suốt một nghìn năm Bắc thuộc, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân các làng trong xã Định Tăng đã nhiều lần đứng lên chống lại ách thống trị đô hộ của ngoại bang đứng dưới ngọn cờ của các lãnh tụ yêu nước.
Năm 1297 đời nhà Trần làng Bái Trại có công lớn bắt được tướng giặc nạp cho triều đình được nhà vua ban thưởng. Vì các ông không có học vấn nên chỉ nhận tước lộc chứ không bổ nhiệm làm quan
Đối với làng được vua ban đất, gỗ để làm đình, chùa, nghè thờ cúng các vị có công. Ba anh em họ Lưu được vinh hiển nên đã cung phụng làng tiền để xây dựng chợ Bản. Khi 3 ông chết nhân dân đã xây nghè thờ 3 ông và đề câu đối:
Bên ngoài: Điền mẫu thưởng công Tiền quốc trụ
Thị thành ngưỡng đức cựu kim môn
Bên trong: Đức tài tu dân danh tại thế
Sinh vi lưỡng tướng tử vi thần.
Dưới Triều nhà Trần - Hồ: Làng Bái Trại có ông Hoàng Hối Khanh nỗi tiếng văn võ song toàn. Ông thi đỗ thái học sinh tiến sỹ khoa giáp tý năm 1384 lúc 23 tuổi, được bổ làm An Phủ sứ lộ Thanh Hoá năm 1385. Đại Việt ký sự toàn thư chép: “Năm Giáp Tý (1384), mùa xuân, tháng 2, Thượng Hoàng cho thi Thái Học sinh ở chùa Vạn Phúc núi Tiên Du (lấy đõ) bọn Đoàn Xuân Lôi, Hoàng Hối Khanh....30 người. Mùa hạ, tháng 5 cho số Thái Học sinh còn lại Thư sử ở cung Bảo Hòa”. vua Trần Phế Đế giao trọng trách làm chi phủ huyện Huyện Nha Nghi ( Lệ thuỷ - Quảng Bình ngày nay) chấn giữ phía nam Đại việt. Với tài năng của ông ở vùng đất mới, vùa nhà Trần cử ông giữ chức An phủ sứ lộ thăng hoa (Quảng Nam- Quảng Ngãi bây giờ). Nhà Trần ngày càng suy yếu, Giặc Minh âm mưu xâm lược nước ta, ông được điều ra làm Phủ An sứ lộ Tam Đái (1394), sau đó được điều về kinh Tây Đô giữ chức Phát vận sứ ty để chuẩn bị chống giặc Minh
Dưới thời nhà Hồ, Hoàng Hối Khanh được thăng chức Đồng Tri khu Mật sứ (1401) để đối phó với quân Minh. Năm 1406 giặc Minh xâm lược nước Đại Ngu, trong cuộc chiến đầu không cân sức ông bị Giặc Minh bắt vào ngày 07/01/1407 và đưa lên một chiếc thuyền, đến cửa sông Đan Huy (Nghệ An) ông ngảy xuống sông tuẫn tiết để giữ tròn khí tiết tôi trung.
Sau khi đuổi được quân Minh ra khỏi bờ cõi ông được nhà vua Lê Lợi phong sắc thần “ Dực Bảo Trung Hưng – Linh Phù Đoan Túc Tôn Thần”. Năm Thiệu Trị thứ 4 (1845) ông được truy phong “ Đặc Tấn, phụ quốc, thượng tướng quân, tặng kiệt tiết linh thông hoàng quận công, Tước Phong Dực bảo trung hưng, Linh phù đoan túc tôn thần” Nhân dân trong làng lập đền thờ ông và tôn Ông là Thành hoàng làng.
Hoàng Hối Khanh là một danh tướn dưới thời Trần – Hồ không chỉ có nhiều cống hiến to lớn trong việc tổ chức chống quân Minh xâm lược mà còn là một nhà kinh tế, một nhà ngoại giao tài ba. Ông lấy cái chết để tỏ rõ khí tiết một sỹ phu yêu nước, trung nghĩa bất khuất, nếu tấm gương sáng cho thế hệ nhân dân xã Định Tăng hôm nay và mai sau.
Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427), nhân dân Định Tăng đã giúp sức cùng nghĩa quân Lê Lợi tiêu diệt quân Minh xâm lược. Sử kể rằng, ông Lê Hữu Danh (tự Nghi Vũ, người làng Thạch Đài), ông Minh Ninh Quang (tức Lê Hồng Quang), ông Hồng Đô (Lê Hồng Đô) người làng Hoạch Thôn là những người có nhiều chiến công được nhà vua sắc phong, khi các ông mất đều được nhân dân xây nghè và tôn thờ là Thành hoàng làng.
Thời Lê Trung Hưng (1533-1789), Định Tăng có nhiều nhân tài góp phần vào hàng ngũ công thần, tận tụy chiến đấu vì nhân dân, vì nước như các ông: Trịnh Hữu Nhân – võ tướng thời hậu Lê9 1694- 1728) ông có nhiều công dẹp giặc được nhà vua phong sắc “Đoan túc dực bảo trung hưng tôn thần”. ngoài ra còn có các ông Lê Đình Trực, Lưu Đăng Trọng ( Bái Trại), Nguyễn Đình Trực, Hà Huy Cán ( Lộc), Hách Danh Hiên ( Phú Thọ) được phong tướng qua cá đời Lê, Trần, Nguyễn. Ngoài các tướng lĩnh trong quân đội Định Tăng còn có các ông, Nguyễn Dung, Trịnh Huy Dương ( phú tọ) Lê Trọng Danh, Nguyễn Huy Du, Nguyễn Hướng, Nguyễn Tân ( Hoạch thôn), Nguyễn Đổi (Bái trại) làm quan trong các triều đại phong kiến……
Phát huy truyền thống yêu nước của ông cha khi thực dân Pháp xâm lược và đặt ách thống trị trân đất nước ta, cùng với nhân dân cả nước nhân dân Định Tăng không chịu khuất phục trước kẻ thù. Dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu yêu nước, nhân dân Đinh Tăng hăng hái tham gia các cuộc khởi nghĩa chống quân sâm lược như trận đánh pháp ngày 26/04/1886 của nghĩa quân do ông cai Phơn ( Lê Đình Phơn) và Đốc Xáo quê ở Thiết Đinh Quản Lĩnh ( Kênh khê) đã tấn công giặc ở Cầu si tiêu diệt nhiều tên địch trong đó có tên tri huyện Điền là tay sai đắc lực của thực dân Pháp
Sau đó địch cho quân tấn công làng Bản Đanh quê cai Phơn thủ lĩnh phong trào. Tìm đường từ Cầu si đến Thiết Đinh đi qua vùng đất Mau tròn làng Phú Thọ của xã Định Tăng. Nhân dân đã hỗ trợ tham gia chiến đấu nghĩa quân tiêu diệt giặc, bảo vệ làng xã, trong chiến đấu này Định Tăng có Ông Cử Trai làng Thạch Đài bị giết, Ông Tuần Khoa (Hách Văn Khoa) làng Phú Thọ khi ông tuần tra đóng cổng làng, không cho bon giặc chạy qua làng, bị giặc Pháp bắt đem sang làng Bình Ngô (Tân Bình) – Thiệu hóa chém đầu tại Chợ lăng quăng xuống sông Chu. Hành động đó càng làm tăng thêm lòng căm thù, ý chí chiến đấu chống giặc của nhân dân các làng trong xã Định Tăng.
Truyền thống đấu tranh bất khuất của nhân dân Định Tăng tiếp tục được phát huy trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, truyền thống bất khuất, kiên cường đó ngày càng được hun đúc, tôi luyện. Hàng trăm thanh niên của Định Tăng đã đi theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, tình nguyện lên đường chiến đấu vì độc lập, tự do của tổ quốc. Trong những ngày tháng lịch sử hào hùng của dân tộc, biết bao người trong số họ đã ngã xuống, trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc, thanh niên Định Tăng lại hăng hái lên đường chiến đấu, nhiều người đã hy sinh một phần xương máu của mình bảo vệ chủ quyền của đất nước.Nhân dân Định Tăng rất tự hào về truyền thống yên nước, tinh thần dũng cảm hy sinh trong chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc.
Từ truyền thống lịch sử, văn hoá được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử xây dựng quê hương, đất nước sẽ là cơ sở, nền tảng để Đảng bộ và nhân dân Định Tăng kế thừa, phát huy giành thắng lợi trong những thời kỳ đấu tranh cách mạng tiếp theo.Phát huy truyền thống quê hương cách mạng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Định Tăng hôm nay đang ra sức thi đua lao động sản xuất, phát triển về kinh tế- văn hóa xã hội, chính trị trong sạch vững mạnh, quốc phòng – an ninh đảm bảo. Phấn đấu giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới từ đó làm cho quê hương Định Tăng ngày càng giàu đẹp hơn.