Người dân Định Long nói riêng cũng như Yên Định và Thanh Hóa nói chung có đời sống văn hóa tâm linh rất đa dạng và phong phú. Ở các làng có nhiều công trình văn hóa tín ngưỡng như đình, chùa, nghè, miếu…; có những phong tục tập quán mang đậm nét đặc trưng của con người vùng đồng bằng xứ Thanh.
Trong sinh hoạt cộng đồng đáng chú ý là tục thờ thành hoàng làng và các lễ hội của làng. Thành hoàng thường là người có công lập làng được vua ban sắc phong làm thượng đẳng thần hoặc trung đẳng thần. Ngoài thành hoàng còn có những vị thần được nhân dân thờ phụng ở đền, nghè, miếu. Trước năm 1945, mỗi làng đều có một ngôi đình khang trang thường được xây dựng ở khu vực trung tâm của làng. Đình Là Thôn hiện nay là ngôi đình đó được trùng tu lại lần thứ hai vào năm 1993. Đình gồm có 5 gian cấu trúc theo kiểu trồng rường kẻ bẩy, có nhiều hình chạm khắc long - ly – quy - phượng, hai vì cuối tạc đầu hổ phù, xà thượng gian giữa có chạm hình lưỡng long chầu nguyệt. Hai bên đình có 2 giải vũ (nhà nhỏ dùng vào việc hậu cần khi có đình đám), tạo với đình thành hình chữ U. Trong đình có sàn gỗ tam cấp và bàn thờ với đủ các đồ thờ: long ngai, thần vị, hoành phi và đặc biệt có đôi hạc cao 2 mét đứng trên lưng rùa. Bao quanh khu vực đình là tường gạch, cửa ra vào có hai cột nanh, trên đầu cột có nghê chầu.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đình làng Là Thôn đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Được các cấp ủy Đảng và chính quyền quan tâm cùng sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân, đình làng đã được tôn tạo để giữ gìn những giá trị văn hóa vốn có. Năm 2016, công trình được thi công với lễ phạt mộc, năm 2017 tiến hành hạ giải, năm 2018 tiến hành dựng và cất nóc. Đến nay, công trình đã hoàn thành 70% khối lượng công việc.
Cùng với đình làng là nghè, quán, miếu thờ các vị thần, các vị nhân thần có công khai hoang lập làng như nghè Là Thôn (trước đây xây ở ngoài đê) thờ thần Quản gia Đô Bác, miếu (còn gọi là Quán) ở khu vực đồng Cằn Đa thờ thánh mẫu Liễu Hạnh (đã phá dỡ từ sau năm 1960). Làng Phúc Thôn có chùa Liên Hoa, đình làng thờ Thành Hoàng làng, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 dựng làm nơi dạy học và cửa hàng mua bán. Nghè ở giữa làng thờ Ngài Quản Gia Đô Bát Trịnh Phú Quân. Làng Tân Ngữ có chùa ở khu vực Bái Chùa (đã bị phá rỡ từ lâu), và ngôi đình rất to thờ Thành Hoàng làng (đã bị cháy năm 1963), cùng với Nghè trên thờ Quản gia đô bát Trịnh Phú Quân và Nghè dưới thờ Quan Thái Giám Ngọ Tư Thành. Cả ba làng đều có văn chỉ để tôn vinh việc học hành, thi cử.
Gắn với các công trình văn hóa tín ngưỡng là những phong tục sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các làng xã. Đình Long Hưng (Tân Ngữ) thờ thành hoàng là quan Thái giám Ngọ Tư Thành. Đền thờ ông (nay thuộc thị trấn Quán Lào) còn lưu giữ bản thần tích và 8 sắc phong gồm 5 sắc phong thời Lê Trung Hưng 2 sắc phong thời Quang Trung và 1 sắc phong thời Nguyễn. Tương truyền vào thời Lý ở trang Chân Lữ có một gia đình vợ chồng lấy nhau đã lâu mà mãi đến năm ngoài 40 tuổi mới sinh một người con trai. Người con trai đó là Ngọ Tư Thành đến năm 18 tuổi đã nổi tiếng về trí thông minh. Vua Lý Thái Tông lên ngôi nghe tiếng bèn triệu về kinh bái yết và giao cho làm quan Thái giám trong triều. Sau 30 năm phụng sự triều chính, góp phần củng cố vương triều, khi tuổi già sức yếu ông xin về quê nhà sinh sống. Vua ban cho ông nhiều bổng lộc và đất đai. ông đã chia đất cho dân làng cày cấy, bỏ tiền giúp dân đào giếng, đắp đường và chu cấp cho những người khó khăn trong vùng. Khi ông mất, nhân dân địa phương lập miếu thờ để thờ phụng, và được triều đình phong làm thành hoàng trang Chõn Lữ. Tương truyền khi Lê Lợi đi đánh giặc qua đây đến cầu cúng được thần phù hộ nên các triều vua Lê đã ban sắc phong cho thần là "Đương cảnh thành hoàng trí nghĩa nhân cương nghị, Thái giám nội thị hầu Thượng đẳng tối linh phúc thần đại vương”. Hàng năm vào ngày giỗ kỵ thần 24 tháng giêng làng tổ chức cúng tế rất linh đình, đặc biệt có nghi lễ rước kiệu thành hoàng làng từ đền thờ về đình.
Là Thôn, Tân Ngữ, Phúc Thôn đều thờ Quản gia Đô Bác Trịnh phủ quân tôn thần Trịnh La (hoặc Trịnh Gia). Theo thần tích thì thần là vị quản gia dưới trướng Cao Biền. Khi ông cáo quan về quê, với tấm lòng thương xót kẻ nghèo khó ông đã đem tiền bạc giúp đỡ nhân dân trong vùng nên ông được nhân dân địa phương nhiều nơi mến mộ. Khi ông mất táng ở núi Nhật Chiêu (Vĩnh Lộc). Triều Hồ phong cho ông làm Quản gia Đô Bác Đại vương. Hiện nay ở Định Long còn 2 đạo sắc phong vào năm Cảnh Trị 1 triều vua Lê Huyền Tông (ngày 24/6/1663) và năm Khải Định thứ 9 (ngày 23/7/1927). Ở Thanh Hóa có 71 nơi thờ thần Quản gia Đô Bác, riêng huyện Vĩnh Lộc có 29 thôn xã, huyện Yên Định có 21 nơi thờ mà chủ yếu ở tổng Đa Lộc. Vào ngày kỵ nhật của thần (14 tháng 11 âm lịch, các làng đều tổ chức làm giỗ ngài).
Tục kết chạ cũng là một nét đẹp trong phong tục tập quán của các làng ở Định Long. Làng Là Thôn kết chạ với làng Quan Trì (xã Yên Lâm cùng huyện). Hai Làng kết nghĩa với nhau coi nhau như anh em, giúp đỡ nhau khi có công việc lớn. Mỗi khi vào các kỳ lễ chạp, làng chủ nhà mời khách thì làng kết chạ cử một số người rước thần làng mình đến làng chạ (có thể rước long ngai bằng kiệu hoặc khênh bát hương thờ thần đến để cúng tế lễ. Làng chủ làm cỗ chạ, tế lễ rồi đãi khách. Lúc khách làng chạ đến cũng như ra về đều được đón rước chu đáo rất nồng hậu).
Hàng năm các làng đều tổ chức lễ kỳ phúc để cầu mong mưa thuận gió hòa, cầu mong thần hoàng và tiên tổ phù hộ dân làng được bình yên. Ở Là Thôn hàng năm vào các ngày 12, 13, 14 tháng 3 âm lịch đều tổ chức tế lễ. Khi lễ ở đình thì dùng kiệu rước thần thánh từ nghè (đi trước), từ miếu (đi sau) về đình rồi mới tế lễ. Tế xong thì tổ chức ăn uống. Buổi tối mời phường bội (hát tuồng) đến hát cho làng xem. Là Thôn có 1 cái chiêng khi có lễ hội đánh kêu to và vang cả vùng nên dân địa phương có câu:
"Chiêng làng Là
Cà làng Ái
Trai Hổ Bái
Gái Đan Nê"
Ở Làng Tân Ngữ trước đây lại có tục nấu cơm thi vào ngày 12 tháng giêng hàng năm. Những người dự thị phải dùng đuốc vừa đi vừa nấu cơm, khi cơm cạn phải dùng bẹ chuối be nồi cơm lên, be càng cao mà cơm chín đều là thắng cuộc. Vì thế mới có câu ca:
"Trò Chiềng, vật Bọc, rối Si
Cơm đắp Kẻ Lở, cơm thi Quán Lào
Duyờn Thượng thì kéo Chò rào chũa rào,
Làng Huê săn cuốc, làng Lào săn chim"
Định Long cũng là vùng đất hiếu học với những bậc đại khoa nổi tiếng. Vào thế kỷ XVI ở làng Phúc Thôn có hai anh em nhà họ An (Yên) là An Đôn Phác và An Đôn Lễ đều học giỏi đậu cao. Theo gia phả dòng họ thì người bố của hai ông chạy loạn từ Nghệ An ra được một gia đình ở Phúc Thôn đem về che chở và gả con gái cho làm vợ. Vì không biết họ của bố nên khi hai ông sinh ra được lấy chữ đầu của tên huyện (An - Yên) làm họ. Người anh là An Đôn Phác đỗ tiến sĩ năm Tân Sửu 1541 niên hiệu Quảng Hòa thứ 1 đời Mạc Phúc Hải. Ông làm quan đến chức Thượng thư và được ban tước Ninh khê hầu(1). Người em là An Đôn Lễ (1512 - 1574) thi đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Thìn niên hiệu Đại Chính thứ 3 (1532) đời Mạc Đặng Dung. Ông làm quan đến chức thượng thư bộ binh, được phong tước hầu. Năm 63 tuổi ông mất được triều đình ban tước Khuông quận công (2). Mộ hai ông hiện nay còn trên đất của làng. Một nhà có 2 anh em thi đỗ đại khoa là chuyện không hiếm nhưng 2 anh em đều làm quan đến chức Thượng thư (tương đương Bộ trưởng hiện nay) thì đây là niềm vinh dự tự hào không phải riêng dòng họ Yên.
Suốt cả thời kỳ phong kiến qua nhiều triều đại kế tiếp nhau, cả huyện Yên Định chỉ có 11 người đỗ đại khoa thì quê hương Định Long đã đóng góp 2 người. Đến năm Thành Thái thứ 2 (1900) dòng họ An có thêm An Đôn Tố đỗ cử nhân được cử làm Huấn đạo huyện Cẩm Thủy. Tương truyền ở Là Thôn có 2 ông Trịnh Quốc Tư và Trịnh Quốc Trụ đỗ tú tài thời phong kiến (chưa rõ năm nào) được ghi tên ở bia hàng huyện. Cả xã Đa Lộc xưa có 3 người đỗ hương cống là Trịnh Đồng Nhân đỗ khoa Kỷ Dậu niên hiệu Vĩnh Khánh 1 (1729), Trịnh Quốc Trụ đỗ hương cống khoa Nhâm Ngọ niên hiệu Cảnh Hưng 2 (1762) và Trịnh Đồng Điều đỗ hương cống khoa thi năm 1743.
Trải qua hàng nghìn năm xây dựng và phát triển, người dân xã Định Long đã hun đúc nên truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, anh hùng trong chiến đấu. Vùng đất lâu đời, giàu truyền thống văn hóa đã trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử đất nước. Đặc biệt từ năm 1930 khi Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập và lãnh đạo cuộc đấu tranh nhằm giành lại quyền độc lập tự do cho dân tộc, nhân dân Định Long đã vùng lên cùng với nhân dân cả nước tiến hành thắng lợi sự nghiệp chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc mà đỉnh cao là cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.
(1) Tại khu mộ trên đất Phúc Thôn hiện còn tấm bia cao 0,7m, rộng 0,45 m. Trán bia khắc hình lưỡng long chầu nhật. hai viền bên chạm cúc hóa long, Viền ....chạm một bông hoa sen. Người soạn văn bia là cử nhân khoa Canh Tý Yên Đôn Biển. Nội dung bia ghi đại ý: Ông tiên tổ là Yên tướng công tên tự là Đôn Phác hay Phát) sinh trưởng vào triều Lê, còn em là Yên Đôn Lễ thi đỗ tiến sĩ. làm quan đến chức thượng thư bộ lễ, tước Ninh khê hầu. Lúc mất táng ở đây, con cháu kể từ đó phát triển đông đúc phồn thịnh. Cháu con đông đúc, khoa quan hòa kiệt phát triển thực do đất này. Non nước chung đúc nên khí linh mà nổi rõ công tích. Mùa xuân năm ĐInh Hợi dựng bia ghi chép.
(2) An Đôn Lễ khi làm quan triều Lê đổi họ tên là Lê Đình Tú. Một số sách lại chép là Nguyễn Đình Tú