Phát triển kinh tế trang trại theo tiêu chuẩn VietGap, hướng hữu cơ trên địa bàn huyện Yên Định.
Sản xuất hữu cơ là hướng phát triển tất yếu của ngành Nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường và tạo ra sản phẩm sạch, an toàn. Hiện một số mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn huyện Yên Định đã được định hình. Đây là tiền đề quan trọng cho ngành Nông nghiệp huyện mở ra hướng đi mới, từ đó phát triển hiệu quả, bền vững.
Page Content
Hiện toàn huyện Yên Định có gần 1000 trang trại, gia trại, trong đó có hơn 90 trang trại đủ tiêu chí theo thông tư 02 của Bộ NN&PTNT. Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong những năm qua trên địa bàn huyện đã có nhiều chủ trang trại tích cực tìm tòi, học hỏi, đầu tư vào trồng cây ăn quả, trồng rau màu, chăn nuôi… theo quy trình hữu cơ và có định hướng phấn dấu đạt các tiêu chuẩn như VietGap, Chứng chỉ hữu cơ. Trong đó tiêu biểu như: các hộ trồng Bưởi Diễn ở xã Yên Ninh đã áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap đảm bảo các cung đoạn đều sử dụng chế phẩm hữu cơ và tận dụng phế phẩm tự nhiên; Trang trại Hoàng Linh – Organics của ông Trịnh Bá Ngọc xã Yên Trường; nông trại Ánh Dương của ông Phạm Quang Vọng xã Định Tân; Trang trại Hương Quê xã Yên Ninh và đặc biệt là trang trại Hữu cơ Nguyễn Xuân xã Yên Thọ đã được cấp Chứng chỉ chứng nhận sản phẩm hữu cơ quốc gia, trở thành trang trại bưởi đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa đạt tiêu chuẩn hữu cơ/Organic Quốc gia.
Việc phát triển trang trại nông nghiệp theo hướng hữu cơ, hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đây được xem là hướng phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, giúp giảm thiểu tác động đến môi trường, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn và hướng đến xuất khẩu.
Đức Nguyên