Phát triển kinh tế trang trại gắn với xây dựng thương hiệu nông sản và thị trường tiêu thụ
Những năm gần đây, kinh tế trang trại đã và đang trở thành hướng phát triển ổn định, góp phần nâng cao giá trị nông sản, đồng thời giúp khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lợi về đất đai, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất của người dân. Do đó, thời gian qua, huyện Yên Định đã khuyến khích, hỗ trợ người dân mở rộng quy mô trang trại, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm từ trang trại nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Page Content

Trang trại hữu cơ Nguyễn Xuân xã Yên Thọ là một trong những trang trại đầu tiên của tỉnh đạt tiêu chuẩn hữu cơ/organic quốc gia, với sản phẩm bưởi Diễn trên diện tích được chứng nhận 70.000m2, sản lượng khoảng 250 tấn/năm. Để đạt tiêu chuẩn hữu cơ/organic quốc gia cho sản phẩm bưởi Diễn, trang trại phải thực hiện 8 không, đó là không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học, không thuốc diệt cỏ, không sử dụng hóa chất, không thuốc kích thích, không đánh bồn và xáo xới gốc cây, không tiện gốc và cành, không quét và bón vôi vào gốc cây. Quá trình thực hiện quy trình sản xuất hữu cơ trang trại đã phối hợp với Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng TQC (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) trong thời gian 4 năm. Hàng năm, trang trại được cán bộ, kỹ sư của trung tâm theo dõi, kiểm tra để hoàn thiện các yêu cầu và sản phẩm của trang trại đều được gửi về trung tâm phục vụ việc kiểm định đánh giá. Đến tháng 10-2020, các yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm đã đạt và được trung tâm cấp chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ/organic.


Xuất phát từ yêu cầu thực tế của sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và kinh tế nông nghiệp công nghệ cao nói riêng, năm 2018, trên diện tích đất trang trại hơn 12.000 m2, gia đình anh Phạm Văn Viên ở thôn Phang Thôn, xã Định Hòa đã xây dựng 6.000 m2 nhà màng và đưa cây dưa vàng vào trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng sản phẩm dưa vàng đạt tiêu chuẩn OCOP. Với quyết tâm làm nông nghiệp sạch tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, năm 2021, dưa vàng Viên Hương của hộ gia đình anh Phạm Văn Viên đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Là địa phương có số lượng trang trại lớn, những năm qua huyện Yên Định luôn hỗ trợ, khuyến khích các chủ trang trại thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn những đối tượng con nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Đồng thời, vận động, hướng dẫn người dân thay đổi tư duy, áp dụng kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất. Nhờ đó, huyện có 112 trang trại đạt tiêu chí mới. Để nâng cao giá trị kinh tế của trang trại nói chung và sức cạnh tranh của sản phẩm từ trang trại nói riêng huyện Yên Định đã và đang khuyến khích người dân tập trung phát triển các mô hình trang trại áp dụng hình thức sản xuất tiên tiến, ưu tiên phát triển các đối tượng cây trồng, vật nuôi nằm trong nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực để nhân rộng, phát triển tại các trang trại, từ đó xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp bền vững; gắn với xây dựng thương hiệu nông sản và thị trường tiêu thụ.
Đức Nguyên