Các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện thu hút nhân dân và du khách đầu xuân
Yên Định là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa và cách mạng, nơi sinh ra nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng, như: Bà Triệu, Khương Công Phụ, Ngô Thị Ngọc Dao, Đào Cam Mộc, Lê Đình Kiên, Hà Tông Huân, Trần Ân Triêm ...
Page Content
Hiện tại huyện có 49 di tích đã được Nhà nước xếp hạng, trong đó có 7 di tích cấp quốc gia, 42 di tích cấp tỉnh. Trong đó, có nhiều di tích đã gắn liền với các nhân vật lịch sử, với những sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn. Dịp đầu xuân mới này, nhất là từ những ngày tết nguyên đán Ất Tỵ, tại một số di tích lịch sử văn hóa của huyện như: Đền Đồng Cổ (xã Yên Thọ), Di tích Điện Thừa Hoa và Từ đường Phúc Quang (xã Định Hòa)… đã thu hút đông người dân và du khách đến tham quan, chiêm bái, nhân lên nét đẹp văn hóa trong những ngày đầu xuân mới.
Đền Đồng Cổ là một trong những di tích lịch sử và văn hóa nổi tiếng của xã Yên Thọ (Yên Định). Đây là ngôi đền linh thiêng có lịch sử lâu đời nhất xứ Thanh. Đền Đồng Cổ linh thiêng tọa lạc ở chân núi Khả Lao bên bờ sông Mã, nằm trong quần thể di tích núi Tam Thai, chùa Thanh Nguyên, quán Triều Thiên, bến Trường Châu... Đền thờ thần Đồng Cổ, vị thần có công phò vua giúp nước, dẹp giặc ngoại xâm. Năm 2001, đền Đồng Cổ được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là khu Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia và đã được UBND tỉnh đầu tư tôn tạo, phục dựng. Đã trở thành mỹ tục, hằng năm vào các ngày 14 và 15/3 âm lịch Lễ hội Kỳ Phúc - đền Đồng Cổ được khai hội. Đây là lễ hội truyền thống có quy mô lớn, với nghi lễ chính là tế lễ, rước sắc, rước kiệu, rước bóng, hầu đồng. Lễ hội đền Đồng Cổ thu hút hàng nghìn người dân và du khách đến tham quan, dâng hương, hành lễ.
Cùng với Đến Đồng Cổ Linh Thiêng, Di tích Điện Thừa Hoa và Từ đường Phúc Quang (xã Định Hòa) cũng là địa điểm được nhiều người dân và du khách đến tham quan, chiêm bái trong những ngày đầu xuân. Điện Thừa Hoa là trung tâm của quần thể Di tích lịch sử Điện Thừa Hoa và Từ đường Phúc Quang thuộc xã Định Hòa. Sự ra đời của di tích gắn liền với vai trò, vị thế và cuộc đời ít nhiều ly kỳ của nhân vật được phụng thờ Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao - người được sử gia ngợi ca là “đức sánh với trời đất, công rạng rỡ Tam thánh, xứng đáng hàng đầu của các vị Hoàng hậu nước Đại Việt” và là “Mẫu nghi thiên hạ". Năm 2016, di tích được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Đầu năm 2018, từ sự quan tâm của Nhà nước và các nguồn xã hội hóa, Điện Thừa Hoa đã được khởi công phục dựng đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân.
Cũng trong dịp tết nguyên đán Ất Tỵ, tại nhiều di tích lịch sử văn hóa cũng đã thu hút nhiều người dân về dâng hương, cầu mong cho một năm mới bình an và tận hưởng không khí thanh tịnh, yên bình.
Nét đặc sắc trong phong tục đi lễ chùa đầu năm chính là sự hòa quyện giữa tín ngưỡng và văn hóa cộng đồng, một nét đẹp văn hóa, thể hiện sự kính trọng đối với tổ tiên, trời đất và các bậc thánh thần. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để mỗi người tĩnh tâm, suy ngẫm và gửi gắm những ước nguyện tốt đẹp cho năm mới. Dù đời sống kinh tế xã hội đã có nhiều thay đổi, song phong tục đi lễ cầu may đầu năm vẫn sẽ luôn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hoá tâm linh của người Việt, đó cũng chính là sự gắn kết quá khứ với hiện tại, đồng thời gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam./.
Lê Uyên