Đền Đồng Cổ
Di tích núi và đền Đồng Cổ làng Đan Nê, xã Yên Thọ đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 2001 và là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia thể năm 2024.
Page Content

Quần thể di tích Núi và Đền Đổng Cổ, có tổng diện tích khoảng 100.000m2, bao gồm: Núi Tam Thai – tên gọi theo dáng núi có 3 ngọn (núi Xuân, núi Nghễ, núi Đổng), còn có tên gọi khác là Đồng Cổ sơn hay Khả Lao sơn. Bên dưới về phía tả dãy núi thon dài là đền Đồng Cổ trầm mặc dựa chân núi làm nền, bên đá làm vách với hồ Bán Nguyệt như vành trăng khuyết dịu dàng, mềm mại ôm lấy ngôi đền, ngày đêm soi bóng mây trời và xa xa phía ngoài là cổng Nghi môn cổ kính. Đứng từ trên đỉnh núi Tam Thai trông xuống thấy dòng sông Mã uốn khúc lượn quanh co với bến Trường Châu “từ xưa tập hợp thuyền buôn, cột buồm dựng đứng như cây rừng, thật là một nơi đô hội của đất Ái Châu”. Đền có kết cấu “Tiền nhất – Hậu đinh”, gồm: Tiền đường, chính tẩm, nhà cầu và thượng điện. Trải qua các triều đại lịch sử, những truyền thuyết, thần tích về sự linh ứng và công lao to lớn của thần Đồng Cổ không hề bị mất đi. Từ thời Hùng Vương, trải qua lịch sử các triều đại Tiền Lê, Lý, Trần – Hồ, Hậu Lê vẫn ghi lại những công trạng phò vua giúp nước, dẹp giặc ngoại xâm của thần Đồng Cổ thông qua các lần linh ứng hiển linh báo mộng. Đặc biệt, vào thời nhà Lý, thần Đồng Cổ đã hai lần giúp vua, cứu nước thoát cảnh lâm nguy. Năm 1020, thần hiển linh giúp thái tử Lý Phật Mã thắng lớn, đánh tan giặc Chiêm Thành. Lúc khải hoàn về qua bến Trường Châu, thái tử dừng chân vào đền lễ tạ thần và xin rước thần về Kinh giữ nước hộ dân.
Lễ hội Đền Đồng Cổ diễn ra từ ngày 13 đến 15/3 âm lịch hàng năm, nhưng ngày chính hội 15/3 âm lịch, dân làng tập trung để rước kiệu quanh làng với các nghi thức độc đáo, như: rước kiệu từ đền Đồng Cổ về đình Phúc, tế lễ xin linh khí của Đồng Cổ sơn thần, rước kiệu từ đình Phúc về đền Đồng Cổ, dâng hương nhằm tái hiện những dấu ấn quan trọng trong cuộc đời của thần. Vật phẩm dâng lên thần núi Đồng Cổ gồm có hoa quả, gà xôi và những tờ giấy bạc... nhằm tri ân công đức của thần và tái hiện đầy đủ các nghi thức văn hóa độc đáo của đất và người vùng Đan Nê xưa.
Những giá trị văn hóa – lịch sử sâu sắc của di tích núi và đền Đồng Cổ, sự linh thiêng suốt hàng nghìn năm tuổi của đền Đồng Cổ cùng những câu chuyện kể gắn với các triều đại trong lịch sử Việt Nam sẽ còn lắng đọng mãi cho đến muôn đời sau.
Lê Uyên